.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA ĐÀ NẴNG

Giảm bớt điều kiện trong xét thôi học đối với sinh viên tín chỉ

Liên tục “hoãn”, giảm bớt điều kiện

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng vừa ra quyết định buộc thôi học 85 SV hệ tín chỉ (năm 2, 3 và 4); chuyển cấp đào tạo về học tại Trường Cao đẳng Công nghệ - Đại học Đà Nẵng cho 26 SV khác; buộc ngừng đăng ký học phần mới 1 năm (bắt đầu từ học kỳ 2 - năm học 2009-2010) đối với 17 SV hệ cử tuyển và SV Lào.
 
Theo như thông báo của Phòng Đào tạo nhà trường, trong lần xét thôi học này, trường đã giảm bớt một số điều kiện của Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15-8-2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (sau đây gọi tắt là Quy chế 43).

Theo đó, đã bỏ điều kiện điểm tích lũy ở điều 16, mục 1, khoản b của quy chế (có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với SV năm thứ nhất; dưới 1,40 đối với SV năm thứ 2; dưới 1,60 đối với SV năm thứ 3 hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa). SV có một trong hai điều kiện là điểm trung bình chung học tập học kỳ, hoặc điểm trung bình chung học tập của 2 học kỳ liên tiếp đạt “Bình thường” thì cũng không bị buộc thôi học, SV chỉ bị buộc thôi học khi cả 2 điều kiện trên là “Thôi học” (Còn theo điều 16, mục 1, khoản a của Quy chế 43 thì SV bị buộc thôi học khi có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học; đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp).
 
Đối với SV hệ niên chế lưu ban xuống học hệ tín chỉ trong năm học 2008-2009, có đăng ký học phần học kỳ 1 - năm học 2009-2010, có điểm thi >0 ở học kỳ II - năm học 2008-2009 cũng không xét thôi học trong học kỳ này. Ngoài ra, SV tín chỉ thuộc diện thôi học nếu muốn chuyển cấp đào tạo về Trường Cao đẳng Công nghệ thì nộp hồ sơ đăng ký, sau đó trường ra quyết định thôi học tại trường và ra quyết định chuyển SV về đào tạo tại Trường Cao đẳng Công nghệ…

Trước đó, trong học kỳ 2 của năm học vừa rồi, nhà trường cũng đã buộc thôi học 57 SV tín chỉ vì bỏ thi, không đăng ký học tập kỳ tiếp theo và cũng có đến 557 SV tín chỉ thuộc diện ngừng học tạm thời, ngừng đăng ký học phần mới 1 học kỳ và 2 học kỳ phải học cải thiện điểm. Còn nhớ, vào đầu năm học 2008-2009, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có gần 1.000 SV tín chỉ nằm trong diện thôi học theo Quy chế 43.

Nhà trường đã phải “hoãn” áp dụng quy chế này trong xét thôi học và chỉ buộc thôi học 161 SV có kết quả học tập kém nhất; cảnh cáo học vụ 447 SV và không được đăng ký các học phần mới từ học kỳ 2 - năm học 2008 – 2009. 447 SV này phải đăng ký trả nợ những học phần bị điểm F và điểm D để cải thiện điểm tích lũy sao cho đủ điều kiện đăng ký học phần mới trong học kỳ kế tiếp. Trước đó, vào đầu năm học 2007-2008, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng đã quyết định buộc thôi học 56 SV và cảnh cáo học vụ 778 SV của khóa 2006 nằm trong diện thôi học chiếu theo Quy chế 43.

Như vậy có thể thấy, Quy chế 43 cũng như việc thực hiện quy chế còn quá bất cập, là nỗi ám ảnh của SV. Nhưng “quá tam ba bận”, không lẽ cứ “hoãn” và giảm bớt điều kiện mãi, tạo lối mòn tâm lý chủ quan, ỷ lại trong SV? Phòng Đào tạo nhà trường cũng vừa thông báo: “Từ học kỳ 1 - năm học 2009-2010 bắt đầu xét kết quả học tập cho SV ngừng học 1 kỳ và từ học kỳ 2 - năm học 2009-2010 xét kết quả học tập cho SV ngừng học 1 năm”.

Do SV quá lười học…

Các năm học trước đây khi còn áp dụng học chế niên chế đại trà cho các khóa học, mỗi năm Trường Đại học Bách khoa có từ 300-400 SV bị buộc thôi học và ngừng học một năm. Riêng đối với khóa 2005 - khóa học chế niên chế còn lại của năm học này, nhà trường cũng vừa ra quyết định buộc thôi học 85 SV và buộc ngừng học một năm đối với 17 SV. Còn qua lần nương nhẹ này, chỉ có 128 SV tín chỉ bị buộc thôi học, chuyển cấp đào tạo và ngừng đăng ký học phần mới 1 năm trong tổng số 7.214 SV tín chỉ của 3 khóa 2006, 2007 và 2008 là con số khá khiêm tốn so với số lượng SV niên chế bị buộc phải thôi học và ngừng học ở những năm học trước đây.
 
Theo như ý kiến của các giảng viên và SV tín chỉ, vì phải rất khó khăn mới thi đỗ vào đại học nên nhiều SV tỏ ra tự mãn và do không quen với cách học mới, chủ quan, thiếu sự tư vấn… nên kết quả học tập thấp. Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều SV quá lười học, số lượng SV bị buộc phải thôi học sau các lần “hoãn” và giảm bớt điều kiện trong xét thôi học kể trên đều là những SV rất lười, bỏ học, bỏ thi, không đăng ký học phần mới…

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.