.
Công bố chuẩn đầu ra ở các trường ĐH, CĐ

Khẳng định chất lượng đào tạo

.

Cùng với việc công khai tài chính và công khai công tác tuyển sinh, đến nay, các trường ĐH, CĐ thuộc ĐH Đà Nẵng đã công bố chuẩn đầu ra chất lượng đào tạo đối với sinh viên. Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực đào tạo của các trường đối với sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Công bố chuẩn đầu ra là cách để các trường ĐH, CĐ khẳng định chất lượng đào tạo với thị trường lao động. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp năm 2009.

Quyền lợi người học được bảo đảm

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH, CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng đã công bố chuẩn đầu ra đối với sinh viên ở các ngành học. Đây là cơ sở cần thiết cho quá trình đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục của các trường. TS. Võ Như Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ nói: Chuẩn đầu ra là một khái niệm mới, chỉ rõ người học sẽ biết và làm được gì sau một quá trình học tập. Nó gần nghĩa với mục tiêu giáo dục, sứ mạng của các trường ĐH, CĐ. Chuẩn đầu ra định hướng cho việc dạy và học, là cơ sở để người dạy biết mình cần dạy như thế nào, dạy cái gì để sinh viên mình đạt chuẩn khi ra trường. Còn người học biết mình cần học gì để đạt chuẩn và sau khi học xong mình sẽ làm được gì.

Việc xây dựng chuẩn đầu ra đối với sinh viên đã được Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng triển khai một năm qua. Theo đó, đối với mỗi ngành học, nhà trường xây dựng ma trận về quan hệ giữa các mục tiêu đào tạo với chuẩn đầu ra, quan hệ giữa nội dung các học phần với chuẩn đầu ra. Từ ma trận này, giảng viên và sinh viên hình dung được nhiệm vụ, vị trí của môn học trong tương quan của cả quá trình đào tạo. Theo PGS. TS. Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa thì chuẩn đầu ra là năng lực tối thiểu của sinh viên phải đạt được khi ra trường, là mục tiêu cụ thể trong quá trình đào tạo mà nhà trường phải đạt được. Đồng thời, là căn cứ để sinh viên tự so sánh, đối chiếu, bồi dưỡng kiến thức của mình, qua đó có những kiến nghị với cán bộ, giảng viên về công tác đào tạo để giúp họ đạt được những chuẩn mực nhất định. Hay nói cách khác, chuẩn đầu ra chính là yếu tố quan trọng bảo đảm quyền lợi của người học.

Ở một góc độ khác, chuẩn đầu ra cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp học sinh phổ thông định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tại ngày hội Mở (Open Day) do Trường ĐH Bách khoa tổ chức hồi tháng 2-2009 dành cho học sinh lớp 12, nội dung được phụ huynh và học sinh quan tâm hơn cả là mục tiêu, chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm của các chuyên ngành nhà trường đào tạo. Đây là yếu tố giúp học sinh xác định khả năng, sở thích và mức độ đáp ứng của công việc sau này; giúp các em hình dung rõ hơn về công việc thực tế phải làm sau khi tốt nghiệp ngành nghề mình đã chọn.

Khẳng định chất lượng đào tạo

Công bố chuẩn đầu ra ở các trường ĐH, CĐ cũng đồng nghĩa công khai với xã hội về sản phẩm đào tạo của mình; qua đó, nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của từng trường. Những năm qua, nhiều công ty, doanh nghiệp trên cả nước đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để đào tạo sinh viên theo phương thức “đặt hàng”. Với phương thức đào tạo mới này, nhà trường biết được doanh nghiệp, thị trường lao động cần gì ở sinh viên. Qua mỗi đợt thi, tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên; từ đó, có sự điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Nhờ vậy, hằng năm, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có khoảng 200 đến 250 sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng theo phương thức “đặt hàng”.

Phương thức đào tạo theo “đơn đặt hàng” cũng đã được Trường CĐ Công nghệ triển khai có hiệu quả trong thời gian qua đối với một số chuyên ngành đào tạo. TS. Võ Như Tiến cho rằng: Để chuẩn đầu ra sinh viên đạt chất lượng cao, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo của nhà trường. Vì doanh nghiệp có nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện để sinh viên thực tập, hình thành kỹ năng thực hành tối thiểu trước khi bước vào thị trường lao động. Nếu có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, thì chuẩn đầu ra sinh viên sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động. 

 GS.TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở công bố chuẩn đầu ra của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục yêu cầu các trường đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như tích cực phân loại đầu vào của sinh viên; giảng viên phải đổi mới phương pháp dạy học… Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc dạy học ngoại ngữ đối với sinh viên để sau khi ra trường, sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ (ít nhất là tiếng Anh) trong quá trình làm việc, nhằm khẳng định chất lượng đào tạo của các trường với thị trường lao động hiện nay.   

 Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.