.
Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ ở Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng

Lấy người học làm trung tâm

.

Một buổi học lý thuyết của  sinh viên nhà trường.
Năm học 2006-2007, Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng được Bộ Giáo dục-Đào tạo đánh giá là 1 trong 6 trường công lập đầu tiên trong cả nước (trường đầu tiên ở Đà Nẵng) triển khai thành công và đạt hiệu quả cao về hình thức đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ từ bậc TCCN lên CĐ. Để có được kết quả này, chính là nhờ sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo, trên quan điểm “lấy người học làm trung tâm”.

Tiên phong trong cách làm mới
Sau những chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm về hình thức đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ tại các nước Anh, Hoa Kỳ, Canada…, Ban Giám hiệu Trường CĐ Công nghệ đã xây dựng chương trình đào tạo mới để áp dụng cho trường; đồng thời đề xuất hình thức đào tạo này với Bộ Giáo dục-Đào tạo và đã được Bộ cho phép triển khai.

Theo Tiến sĩ Võ Như Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là hình thức đào tạo tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng phổ biến ở các trường ĐH, CĐ của họ. Ưu điểm của hình thức đào tạo liên thông tín chỉ so với hình thức đào tạo niên chế truyền thống chính là tính “mềm dẻo”, sinh viên đóng vai trò trung tâm trong quá trình đào tạo, được quyền chủ động học tập. Nghĩa là, sinh viên năng động hơn trong quá trình tiếp nhận bài học, tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu mà thầy giáo đã hướng dẫn trên lớp.

Ở nhà trường, chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng giảm lý thuyết, tăng giờ thực hành đối với sinh viên. Đặc biệt, sau khi liên thông từ TCCN lên CĐ, sinh viên sẽ được giảm các môn đã học và được phép học chung với sinh viên chính quy hệ cao đẳng, nhằm xóa sự phân biệt đối với sinh viên liên thông và sinh viên hệ cao đẳng chính quy. Bên cạnh đó, hình thức đào tạo này là cơ hội học tập của sinh viên các trường bên ngoài, nếu học các ngành tương ứng vẫn được phép liên thông vào Trường CĐ Công nghệ và sau khi ra trường được cấp bằng chính quy.

Hình thức đào tạo này ở Trường CĐ Công nghệ đã không hạn chế số lượng tuyển sinh của nhà trường hằng năm. Ngược lại, trong trường hợp tuyển sinh không đủ số lượng sinh viên mở lớp, nhà trường vẫn bố trí để sinh viên liên thông học chung với các lớp chính quy hệ CĐ khác.

Sinh viên có thể ra trường trước thời hạn
Theo quy định của chương trình đào tạo niên chế truyền thống, sau khi học liên thông được một năm rưỡi, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Nhưng  với chương trình đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ, sinh viên có thể được ra trường sớm so với thời gian quy định như trên. Bởi lẽ, chương trình đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ quy định mỗi sinh viên phải hoàn thành 70 tín chỉ mới được thi tốt nghiệp. Trong mỗi học kỳ, sinh viên phải đăng ký học ít nhất 14 tín chỉ. Song, trong thực tế, với những sinh viên có năng lực tốt, họ có thể đăng ký học 30 tín chỉ mỗi học kỳ, để rút ngắn thời gian học tập tại trường.

Tiến sĩ Võ Như Tiến cho biết thêm, mỗi năm nhà trường tổ chức xét tốt nghiệp hai lần đối với sinh viên. Với những sinh viên đã hoàn thành các tín chỉ theo quy định thì nhà trường xét cho tốt nghiệp sớm. Ngược lại, với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất hay vì các lý do nào khác, được phép bảo lưu các tín chỉ đã học và sau này có điều kiện thì học tiếp. Đây chính là tính ưu việt nổi bật của hình thức đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ.

Trường CĐ Công nghệ đào tạo 6 chuyên ngành theo hình thức liên thông theo hệ thống tín chỉ, gồm: cơ khí; kỹ thuật điện; điện tử; công nghệ thông tin; xây dựng và cơ khí ô-tô. Trong năm 2009, nhà trường có 696 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp cử nhân cao đẳng theo hình thức đào tạo liên thông hệ thống tín chỉ. Và đây chính là dấu son đầu tiên đánh dấu thành công của nhà trường, kể từ khi triển khai áp dụng hình thức đào tạo mới này.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.