.
MỨC THU PHÍ VỆ SINH VÀ IN SAO ĐỀ KIỂM TRA TRONG TRƯỜNG HỌC

Thu không đủ chi

.

Theo Quyết định số 5845/QĐ-UBND ngày 30-8-2006 của UBND thành phố, quy định mức thu ở các trường học như tiền in sao đề kiểm tra cấp tiểu học: 6.000 đồng/học sinh/năm, THCS và THPT: 10.000 đồng/học sinh/năm; tiền vệ sinh bậc tiểu học: 5.000 đồng/học sinh/năm, THCS: 10.000 đồng/học sinh/năm và THPT: 20.000 đồng/học sinh/năm. So với điều kiện thực tế hiện nay, mức thu theo quy định này là quá thấp, hầu hết các trường đều thu không đủ chi.

Mức thu tiền vệ sinh đối với học sinh tiểu học thấp, khiến cho nhà trường không đủ chi trả lương cho nhân viên dọn vệ sinh.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) có tổng cộng 16 bàn ngồi vệ sinh và 22m máng tiểu dành cho học sinh nam, nữ và 4 bàn ngồi vệ sinh dành cho 103 cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng. Năm học 2009-2010, toàn trường có 1.441 học sinh.

Với mức thu tiền vệ sinh được quy định là 5.000 đồng/học sinh/năm, nhà trường thu được hơn 5 triệu đồng. Nhà trường hợp đồng hai nhân viên làm vệ sinh, tiền công mỗi tháng 1.350.000 đồng/người bằng nguồn thu được từ tiền vệ sinh của học sinh và tiền lương phục vụ công tác bán trú của cán bộ, giáo viên. Riêng 3 tháng hè, nhà trường lấy nguồn từ học phí phụ đạo, bồi dưỡng học sinh chi trả, nên nhân viên dọn vệ sinh chỉ được nhận 500.000 đồng/người/tháng.

Một cán bộ nhà trường cho biết, chỉ có cách giải quyết như vậy mới hợp đồng được nhân công dọn vệ sinh; nếu phụ thuộc vào nguồn thu tiền vệ sinh của học sinh đóng góp hằng năm thì không thể tìm ra người dọn vệ sinh cho trường.

Năm học 2009-2010, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) có 1.158 học sinh. Với mức thu tiền vệ sinh 10.000 đồng/học sinh/năm, nhà trường thu được khoảng 10 triệu đồng (trong đó có miễn cho học sinh nghèo, mồ côi). Lẽ ra, Ban Giám hiệu nhà trường phải thuê hai nhân viên dọn vệ sinh cho hai khu vệ sinh của giáo viên, học sinh và quét dọn sân trường. Nhưng do nguồn thu không đủ bù chi, nên nhà trường chỉ thuê một người làm vệ sinh (riêng tiền mua hóa chất nhà trường tự bỏ ra), nhưng tiền công hằng tháng cũng chỉ ở mức 1 triệu đồng.

Đối với tiền in sao đề kiểm tra, nhà trường cũng chỉ thu được ở mức 10 triệu đồng/năm (trong đó có miễn giảm cho học sinh nghèo, mồ côi), nhưng thực chi cho khoản này hằng năm khoảng 15 triệu đồng. Nhà trường phải tìm các nguồn thu khác để bù vào tiền in sao đề kiểm tra.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đều cho rằng, với mức quy định thu tiền in sao đề kiểm tra và tiền vệ sinh như hiện nay là thu không đủ chi. Theo ông Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn, thời gian đến, các ngành chức năng thành phố cần bổ sung chỉ tiêu biên chế nhân viên làm vệ sinh tại các trường học hoặc nâng mức thu tiền vệ sinh đối với học sinh hằng năm để nhà trường có đủ nguồn kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh làm việc lâu dài.
 
Vấn đề này cũng được ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo đưa ra tại buổi làm việc với Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố vừa qua, theo đó, kiến nghị theo hướng nâng mức thu lên một cách hợp lý.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thành phố cần sớm đưa ra giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về các nguồn thu trên cho các trường học trên địa bàn thành phố đang gặp phải hiện nay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.