.
NGÀNH GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ 2009

Phát triển vững chắc cơ sở vật chất trường, lớp

.

So với các tỉnh, thành khác trên cả nước, mạng lưới trường lớp ở các cấp học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đầu tư khá đồng bộ, với đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học. Nhờ vậy, tình trạng học sinh phải học “3 ca” đã không còn xảy ra trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2009, toàn ngành có 416 đơn vị, trường học; trong đó, có 116 trường mầm non (tăng 4 trường), 100 trường tiểu học, 50 trường THCS, 1 trường phổ thông cấp 1, 2 và 3, 19 trường THPT, 5 trường THCN, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp, 56 trung tâm học tập cộng đồng và 61 trung tâm tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ.

Mạng lưới trường lớp ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy học trong giai đoạn hiện nay. TRONG ẢNH: Một góc Trường THPT Nguyễn Trãi.

Số trường chuẩn quốc gia năm 2009 tăng lên đáng kể so với năm 2008. Cụ thể, bậc học mầm non: 21 trường; tiểu học: 63 trường; THCS: 10 trường và THPT: 3 trường. Toàn thành phố có 100% trường học, cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh, với tỷ lệ 50 học sinh/phòng, bảo đảm các sinh hoạt cá nhân của giáo viên và học sinh tại trường. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố đạt được, Bộ Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và dạy học cũng đã được ngành Giáo dục-Đào tạo triển khai hiệu quả. Có 100% trường THCN, THPT được trang bị 2 phòng máy vi tính (tối thiểu 25 máy/phòng), 80% trường THCS, 40% trường tiểu học có phòng máy vi tính nối mạng Internet ADSL để dạy môn Tin học cho học sinh. Trong năm 2009, Trường THPT Hoàng Hoa Thám được chọn triển khai thí điểm thành công mô hình “Xây dựng trường học điện tử”, qua đó ngành triển khai nhân rộng đến các đơn vị, trường học còn lại trong năm học 2009-2010. Ngành Giáo dục-Đào tạo cũng đã phối hợp với Công ty Inter Việt Nam tổ chức bồi dưỡng “Chương trình dạy học Inter” cho 7.000 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Nhờ vậy, đến nay, toàn ngành có 100% cán bộ, giáo viên Tin học đạt chuẩn, thực hiện tốt các thao tác công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên cũng được ngành Giáo dục-Đào tạo thực hiện đạt kết quả cao. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn và trên chuẩn. Toàn ngành có 5 tiến sĩ, 236 thạc sĩ, 5 nghiên cứu sinh và 95 cán bộ, giáo viên đang học cao học.

Nhờ vậy, năm 2009, chất lượng giáo dục đối với học sinh ở các cấp học tiếp tục được củng cố và đạt kết quả cao về cả học lực và hạnh kiểm. Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, toàn thành phố có 10.826 học sinh THPT dự thi, có 9.880 học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ 90,95% (tăng 7,75% so với năm trước); 1.074 học sinh bổ túc THPT dự thi, có 412 học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ 38,36%.

Ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, đoàn học sinh thành phố đoạt 65 giải trên tổng số 68 học sinh dự thi; trong đó, có 5 giải nhất, 22 giải nhì, 24 giải ba và 14 giải khuyến khích, đạt tỷ lệ 95,58% (tăng 20,7% so với năm 2008); xếp vị trí thứ 2 trên cả nước. Em Đinh Hưng Tư, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á lần thứ 10, tổ chức tại Thái Lan. Tiếp đó, em Nguyễn Đình Tùng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt Huy chương bạc ở kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 40 tổ chức tại Mêhicô. Trong kỳ thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 38, em Nguyễn Đắc Xuân Thảo, học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) đoạt giải nhất cấp quốc gia và giải nhì quốc tế; đây là học sinh đầu tiên của thành phố Đà Nẵng cũng như của cả nước giành được phần thưởng cao quý này.

Với những thành tích nổi bật nêu trên, năm 2009, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục-Đào tạo; được Bộ Giáo dục-Đào tạo công nhận hoàn thành 14/14 chỉ tiêu thi đua, trong đó 10 chỉ tiêu xuất sắc dẫn đầu như: Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục tiểu học; giáo dục chuyên nghiệp; giáo dục thường xuyên; công tác tổ chức cán bộ...

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, trong thời gian đến, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất; đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người” trong giai đoạn hiện nay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.