.

Chơi mà học từ Ngày Hội văn hóa dân gian

.

(ĐNĐT) - Ngày 6-1, Ngày Hội văn hóa dân gian lần 2 được tổ chức tại trường THPT Phan Châu Trinh thành phố Đà Nẵng không chỉ dành riêng cho thầy trò nhà trường, mà hàng ngàn bạn trẻ của thành phố cũng đến tham gia. Qua ngày hội, học trò không những được thỏa sức vui chơi, mà còn học được nhiều kỹ năng tưởng như rất giản đơn từ cuộc sống.

“Thích hơn môn gia chánh”

Gian hàng ẩm thực “Trai thanh gái lịch” trong trang phục truyền thống

Tại sân bóng đá trường THPT Phan Châu Trinh, hàng ngàn học sinh reo hò cổ vũ cho đội kéo co, nhảy dây của đội tuyển của lớp mình thi tài. Đó là những trò chơi vận động của dân gian chẳng xa lạ gì đối với mỗi đứa trẻ, nhưng đây là lần đầu tiên các học trò khối 10, khối 11 được thi thố với nhau trong nhà trường. Đó là không khí mà trước đây mỗi năm, chỉ riêng học sinh khối 11 chỉ có một dịp đi cắm trại vào tháng 3 mà thôi.

Trần Lê My, học sinh lớp 11 trường THPT Phan Châu Trinh cười nói: “Ngày hội rất vui, bọn em càng háo hức chờ đợi dịp đi cắm trại sắp đến. Hy vọng ngày càng có nhiều sân chơi như vậy để bọn em có dịp được cùng nhau tranh tài cùng với các lớp khác”.

Theo 20 gian hàng ẩm thực và trò chơi dân gian của khối 12, tôi thấy một “chợ quê” thực thụ đã mọc lên với rơm rạ, gốc chuối, bụi tre và cả những thiếu nữ chân quê trong bộ đồ bà ba, tứ thân mộc mạc luôn miệng mời chào khách.

Một góc “chợ quê” mọc lên giữa sân trường

Thầy Dương Thanh Hùng, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Phan Châu Trinh bày tỏ sự bất ngờ về khả năng sáng tạo và tài trang trí, bày biện “chợ quê” của các bạn học sinh so với Ngày hội dân gian năm 2009. “Ngày hội thanh niên không chỉ tạo sân chơi cho các em học sinh, mà tôi hy vọng, qua các phần thi gói bánh chưng, nấu chè, làm bánh, làm hoa giấy, dựng cổng, quán xá… các em nữ sẽ khéo tay hơn, đảm đang hơn; còn các em nam sẽ tháo vát và học được nhiều kỹ năng hơn trong cuộc sống”, Thầy Hùng nói.

Như Khuê, nữ sinh lớp 12TN24 tiết lộ, bình thường bạn không thích môn học nghề gia chánh tại trường, tuy nhiên trong đợt này, Khuê là “bếp trưởng” của quán Rơm với các đặc sản như bánh căn tôm thịt, chè đậu, bánh bột lọc, nước rau má…

Cô trò cùng vui

Đây là năm thứ hai trường THPT Phan Châu Trinh nói riêng và các trường THPT khác trên địa bàn thành phố tổ chức Ngày Hội văn hóa dân gian. Mô hình này là một trọng điểm trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.

Học sinh chơi bài chòi

Làm thế nào để lồng ghép các hình thức nghệ thuật văn hóa dân gian vào trong nhà trường một cách sinh động để học trò có thể tiếp thu tốt nhất không phải dễ. Ngày hội đã giúp các em học sinh hòa nhập với những hình thức trò chơi như Bài chòi, trang phục các dân tộc Việt Nam, gói bánh chưng, bánh tét, bày biện mâm cỗ Tết, vẽ tranh dân gian… Dù còn bỡ ngỡ và vụng về, nhưng một ngày vừa chơi vừa tiếp thu những kiến thức dân gian như thế hoàn toàn có thể xem là hiệu quả hơn những giờ đọc kiến thức “chay” khô khan. Chơi mà học, đó là cách dẫn dụ học trò đi vào thế giới kiến thức một cách nhẹ nhàng nhất.

Nét mới của Ngày Hội văn hóa dân gian năm nay là các thầy cô giáo cũng cùng với học trò khoác lên những chiếc áo bà ba, áo tứ thân. Trong đội hình cổ vũ cuồng nhiệt của khối lớp 10 còn có “Tâm Mama”, tên thân mật mà các học trò dành cho cô giáo Huệ Tâm dạy Pháp văn, cả cô trò cùng hò hét không ngớt. Còn tại tiền sảnh nhà trường, các cô cậu học trò tinh nghịch thường xuyên “ăn vụng” mứt Tết mà các thầy cô giáo các tổ bộ môn đang bày biện để chờ chấm điểm và cô giáo Tố Mai dạy Văn chỉ biết cười khi đám học trò tinh nghịch ấy.

Đó cũng thật sự là một không khí mà cả năm trời, cô và trò không dễ gì có được ngoài những giờ đứng lớp chỉnh chu đúng theo mô phạm giáo dục. Hiệu quả của việc xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đến từ những việc giản đơn như thế.

Trọng Nghiệp

;
.
.
.
.
.