.

Ông đồ... sinh viên

.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2010, trên vỉa hè nhiều tuyến đường xuất hiện các “gian hàng” trưng bán các câu đối Tết, tranh, thư pháp… của các “ông đồ” sinh viên. Đây là dịp để sinh viên các trường ĐH, CĐ trổ tài về năng khiếu hội họa, viết chữ, đồng thời cũng là dịp để kiếm thêm chút tiền trong những ngày cuối năm.

Trổ tài

Các bức tranh, thư pháp của “ông đồ” sinh viên bán ở vỉa hè Trường Đại học Sư phạm trong dịp Tết. 

Từ giữa tháng chạp đến nay, trên vỉa hè trước Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng sôi động hẳn lên, bởi khá đông khách hiếu kỳ tụ tập lại xem, mua thư pháp, câu đối, tranh vẽ của các “ông đồ” sinh viên về chưng trong dịp Tết. Ở đây, các loại câu đối Tết, thư pháp được viết, vẽ bằng chữ Hán, chữ Việt trên các loại giấy, khung vải với đầy đủ màu sắc, kích cỡ được bày bán nhiều, với giá khá “bèo’ từ 20.000 đến 100.000 đồng. Các “ông đồ” sinh viên sưu tầm nhiều câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn có nội dung chúc Tết, ca tụng cha mẹ... để khách hàng tha hồ lựa chọn. Sau khi khách chọn nội dung, các “ông đồ”  ngồi vào chiếc bàn nhỏ đặt trên vỉa hè trổ tài múa bút chỉ trong vòng 3 đến 5 phút là hoàn thành tác phẩm.

“Ông đồ” Nguyễn Văn Hải, sinh viên Trường Đại học Sư phạm cho biết, để có một bức thư pháp đẹp, khách ưng ý, trước hết bố cục của bức thư pháp phải hài hòa. Trong lúc viết, tuyệt đối tay không được run và phải điều chỉnh nét chữ lúc đậm, lúc nhạt hài hòa thì mới toát lên được cái hồn tác phẩm. Để làm được điều này, ngoài yếu tố năng khiếu về hội họa, Hải phải cần mẫn tập viết, vẽ ròng rã mấy tháng trời, rồi mới tự tin đi hành nghề.

Cách đó không xa, “gian hàng” của “ông đồ” Phan Văn Hùng, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, được nhiều khách hàng xúm lại xem khá đông. Nhìn “ông đồ” Hùng múa bút trên giấy các câu đối Tết theo yêu cầu của khách, nhiều người trầm trồ khen ngợi. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, “ông đồ” Hùng đã hoàn thành gần chục câu đối cho khách hàng, trông khá bắt mắt. Theo Hùng, để đáp ứng yêu cầu khách hàng, bên cạnh khả năng viết chữ nhanh, đẹp, người viết phải có vốn kiến thức về văn hóa, văn học...

Kiếm tiền nhàn nhã

Nhiều “ông đồ” sinh viên cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong dịp Tết, trước đó, họ đã viết sẵn các câu đối, thư pháp với đủ các nội dung như: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”; “Xuân đến nhà nhà thêm vạn phúc”,  hoặc những bức chữ Hán: Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc... trưng bày cho khách lựa chọn.

Để tiêu thụ sản phẩm, các “ông đồ” sinh viên tìm địa điểm cố định trên các vỉa hè để bán hoặc chở đi bán rong. Theo “ông đồ” Thái Văn Kin kể, có ngày đắt khách mình bán được hơn 10 bức thư pháp, tranh thủy mặc. Sau khi trừ chi phí giấy, mực, xăng xe... cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. So với đi làm thêm ở các hàng quán, viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc để bán trong dịp Tết nhàn nhã và thu nhập khá hơn nhiều.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.