.

Chính sách thu hút thí sinh khá, giỏi ở Đại học Đà Nẵng

(ĐNĐT) - Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 tổ chức mới đây tại Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết nhiều chính sách thu hút thí sinh khá, giỏi vào các trường trực thuộc

Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Phó trưởng Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết, những năm qua, ĐH Đà Nẵng đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhằm thu hút nhân tài vào học ở các trường thành viên. Theo đó, những thí sinh trúng tuyển có tổng điểm thi từ 27 trở lên (chưa tính điểm cộng, điểm hệ số) sẽ được tự do lựa chọn ngành trong cùng khối thi, miễn học phí năm đầu tiên, miễn phí ở ký túc xá. Trong những năm học tiếp theo, nếu sinh viên đạt học lực loại giỏi thì tiếp tục được hưởng những ưu tiên này.

Ở ĐH Đà Nẵng, khối Sư phạm tuyển sinh theo ngành. Hiện nay, Trường ĐH Sư phạm có 2 hệ đào tạo gồm: sư phạm và cử nhân. Riêng hệ Sư phạm thí sinh trúng tuyển sẽ được miễn học phí trong suốt quá trình học. Về nguyên tắc, sinh viên ngành Sư phạm sau khi tốt nghiệp phải phục vụ trong ngành giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều sinh viên Sư phạm ra trường đã làm việc ở các lĩnh vực khác.

PGS, TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, đã giới thiệu với học sinh về những chương trình liên kết đào tạo kỹ sư chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với các ĐH ở các nước trên thế giới. Theo đó, năm thứ nhất sinh viên học các chuyên ngành như triết học và các ngành cơ bản, do giáo viên Việt Nam dạy. Đến năm thứ hai, các lớp kỹ sư chất lượng cao sẽ do 85% giáo viên nước ngoài dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…

Ở những lớp này, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục đi học hệ sau ĐH ở nước ngoài. Trường ĐH Bách khoa đã và đang tiếp tục đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao liên kết với nước ngoài, ở một số ngành như: Hệ thống nhúng, hệ thống số…

Cũng tại Ngày hội tư vấn, TS Ngô Hà Tấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, để có được việc làm như ý muốn, trước hết, các em học sinh cần phải chọn ngành, chọn trường thi phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện kinh tế của mình. Trong quá trình học tập ở trường ĐH, điều kiện tiên quyết là các em phải nỗ lực học tập để đạt kết quả cao nhất. Có vậy, sau khi ra trường mới không sợ không có việc làm.

PGS,TS Trần Văn Nam cho biết thêm, trong những năm qua, có nhiều công ty, doanh nghiệp đến Trường ĐH Bách khoa để tuyển dụng sinh viên theo phương thức “đặt hàng”, hoặc phỏng vấn trực tiếp. Đây là cơ hội tốt để sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay.

Phương Chi

;
.
.
.
.
.