Chiều ngày 2-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, hiện nay, Đại học Đà Nẵng có tổng cộng 8 trường thành viên, với gần 2.000 cán bộ, giảng viên và nhân viên; quy mô đào tạo gần 80 nghìn sinh viên và tỷ lệ sinh viên ra trường hằng năm xin được việc làm khá cao; có hơn 261.000 m2 phòng học, làm việc và hơn 35.950 m2 ký túc xá, tỷ lệ 6,75 m2/sinh viên; tỷ lệ học viên đào tạo sau đại học tăng khoảng 30% mỗi năm, với gần 3.000 học viên theo học cao học, nghiên cứu sinh; từ năm 1994 đến năm 2009, đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứ thành công 67 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ...
GS.TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Đại học Đà Nẵng đang triển khai phân tầng trong đào tạo, theo hướng nghiên cứu và nghề nghiệp, để đến năm 2020, Đại học Đà Nẵng trở thành đại học nghiên cứu. GS.TSKH Bùi Văn Ga cũng kiến nghị, trong thời gian đến, Nhà nước cần tạo cơ chế cho Đại học Đà Nẵng hoạt động được tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS Đào Trọng Thi đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Đại học Đà Nẵng trong những năm qua; đồng thời lưu ý, hiện nay tỷ lệ sinh viên trên giảng viên ở Đại học Đà Nẵng cao hơn so với quy định; quy mô, cơ cấu đào tạo như hiện nay là quá lớn, chưa hợp lý; công tác đào tạo sau đại học, trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn còn thấp so với các cơ sở đào tạo trong nước. Đại học Đà Nẵng có vai trò quan trọng chủ chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung, vì thế trong thời gian đến, Đại học Đà Nẵng nên chọn ra một số ngành mũi nhọn để đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao.
Tin và ảnh: NGỌC ĐOAN