.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010: Những điều thí sinh cần lưu ý

Không còn bao lâu nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 sẽ diễn ra. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, thí sinh (TS) cần phải lưu ý tuân thủ những quy định sau để kỳ thi đạt kết quả cao.

Đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển như thế nào?

TS đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó; nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) đã ghi trong hồ sơ ĐKDT, nhưng kết quả thi từ điểm sàn trở lên, TS được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định; TS đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác); TS có NV1 học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi, đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH.

Những TS này chỉ được xét tuyển theo NV1 vào trường không tổ chức thi, hoặc hệ CĐ của trường ĐH; TS dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển NV1 đã ghi trong hồ sơ ĐKDT, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Chuẩn bị hồ sơ ĐKDT và ĐKXT

Hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2, 3 ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4 x 6 cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của TS ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường); bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); 3 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để Sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển; TS là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ DG&ĐT. Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp (có đóng dấu đỏ của trường); 1 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.

Nộp hồ sơ ĐKDT, ĐKXT, lệ phí tuyển sinh thế nào?

Nộp hồ sơ ĐKDT: TS nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của Sở GD&ĐT và sẽ được  Sở chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT về cho các trường; khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của Sở GD&ĐT, TS nộp ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường thi tuyển; nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót trong hồ sơ ĐKDT, TS phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung; những TS đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, đoạt giải hoặc đẳng cấp thể dục thể thao, nghệ thuật, nộp thêm giấy chứng nhận đoạt giải hoặc giấy chứng nhận đẳng cấp trong ngày làm thủ tục dự thi. Nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT: TS nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hay nộp hồ sơ ĐKXT, lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường.

Cách thức, thời gian làm bài thi

Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo phương pháp trắc nghiệm, thời gian 90 phút và thời gian làm bài thi tự luận 180 phút. Thời gian quy định cho mỗi đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 4 ngày. Ngày thứ nhất làm thủ tục dự thi. Ngày thứ hai và thứ ba làm bài thi và ngày thứ tư dự trữ cho trường hợp cần thiết.

Làm thủ tục dự thi

TS phải có mặt tại trường đã đăng ký dự thi theo đúng thời gian ghi trong giấy báo dự thi. Khi làm thủ tục phải xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước; nhận thẻ dự thi (nếu Giấy báo dự thi không kiêm thẻ dự thi) và nhận phòng thi; nếu thấy có những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên, khối thi, trường và ngành học...

TS phải báo ngay để Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) điều chỉnh. Trường hợp bị mất thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết khác, TS phải báo cáo và làm cam đoan với HĐTS. Ngoài ra, TS phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi đã bóc đề thi sẽ không được dự thi; TS vắng mặt một buổi thi, không được thi tiếp các buổi sau.

Phải tuân thủ những quy định gì trong phòng thi?

Trước buổi thi đầu tiên, TS trình thẻ dự thi, giấy CMND cho cán bộ coi thi (CBCT); chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản; không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác; không được hút thuốc trong phòng thi; trước khi làm bài phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai CBCT ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi.

Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ, không nhàu nát, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng; nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng compa được dùng bút chì); các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa; bảo vệ bài làm của mình và nghiêm cấm mọi hành vi gian lận, không được xem bài, trao đổi ý kiến, tài liệu khi làm bài. Trường hợp TS ốm đau bất thường phải báo cáo để CBCT xử lý; TS chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài.

 QUY ĐỊNH VỀ KHỐI THI
Khối thi và môn thi của các trường, ngành không thuộc diện năng khiếu:
Khối A thi các môn: Toán, Vật lý, Hóa học;
Khối B thi các môn: Toán, Sinh học, Hóa học;
Khối C thi các môn: Văn, Lịch sử, Địa lý;
Khối D thi các môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức và Tiếng Nhật)
Khối thi và môn thi của các trường, ngành năng khiếu:
Khối N thi các môn: Văn, Kiến thức âm nhạc, Năng khiếu âm nhạc;
Khối H thi các môn: Văn, Hội họa, Bố cục;
Khối M thi các môn: Văn, Toán, Đọc, kể diễn cảm và hát;
Khối T thi các môn: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT;
Khối V thi các môn: Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật;
Khối S thi các môn: Văn, 2 môn Năng khiếu điện ảnh;
Khối R thi các môn: Văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí;
Khối K thi các môn: Toán, Vật lý, Kỹ thuật nghề.

PHƯƠNG CHI (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.