.

Sinh viên ăn Tết cho hết tháng Giêng

.

Hầu như trường nào cũng “hù” sẽ điểm danh để làm căn cứ hạ hạnh kiểm những người bỏ học vào ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, không ít sinh viên (SV) vẫn “quyết tâm” chơi Tết cho hết tháng Giêng rồi mới thực sự bắt tay vào chuyện học hành. Tất cả cũng chỉ vì:

Nấn ná với Tết

Quà Tết quê được mang lên chiêu đãi nhau. Ảnh:TRƯỜNG TRUNG 

Dù theo lịch học, ngày 1-3, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh sẽ học buổi đầu tiên của năm Canh Dần, nhưng đến  thời điểm ấy, Trần Thị Trà, sinh viên năm 2 trường này, hiện đang sinh sống tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng mới lên xe khách rời Đà Nẵng vào Sài Gòn, bắt đầu một kỳ học mới. Theo Trà, như vậy là quá “đúng ngày, đúng giờ” chứ không có gì trễ nải.

“Rút kinh nghiệm năm trước, sau Tết trường lớp vắng hoe, buổi học đầu tiên SV đến đứng lơ ngơ rồi... đi về nên em quyết định vào trễ một vài ngày cũng không sao”. Một lý do khác khiến Trà chọn đầu tháng 3 mới vào lại Sài Gòn là do “Giá xe lúc ấy đã hạ, chỉ còn 285 nghìn đồng/vé, còn hơn vào sớm phải mua vé với giá 400 nghìn đồng”.

Lại tiếp tục... ăn Tết

Đã chục “cái mồng” trôi qua, nhưng khu phòng trọ tại 25 Phạm Như Xương, Đà Nẵng như mới thực sự bước vào Tết. Bánh tét, bánh tổ, cá khô, mứt các loại được bày la liệt. Nguyễn Trường Trung, cư dân khu trọ SV Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết: “Trong nhà còn món nào chưa xơi, tụi em gói ghém mang hết ra thành phố.

Đứa Quảng Nam, người Quảng Ngãi… góp thực phẩm lại cũng đủ làm tiệc đến 3, 4 ngày. Khô mực, chả cá, chả bò… nói chung quê đứa nào có món gì thì mang theo món đó. Không khí ngày gặp mặt đầu năm bao giờ cũng rất sôi động, đặc biệt mọi người được cảm thấy no nê chứ không tính toán lo từng bữa cơm như ngày thường”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.