.

Gợi ý giải đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010

.

(ĐNĐT) - Đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 ngắn và dễ, thí sinh làm bài được. Dưới đây là gợi ý giải đề thi môn Lịch sử.

Thí sinh trao đổi trước khi bước vào phòng thi môn Lịch sử chiều 3-6. Ảnh: Mai Hương

        >> Gợi ý giải đề thi môn Địa lý 
        >>
Gợi ý giải đề thi môn Hóa 
        >> Đề thi môn Văn
        >> Gợi ý giải đề thi môn Văn

Môn thi: Lịch sử

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)

Câu 1. (4,0 điểm)

Trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị trên.

Câu 2. (3,0 điểm)

Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp? Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947).

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc.

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Toàn cầu hóa là gì? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX.

Gợi ý giải đề thi:

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1. (4,0 điểm)

a. Hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

- Vào năm 1929, phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ và yêu cầu cần phải có sự lãnh đạo thống nhất của một chính đảng vô sản.

- Trong năm 1929, đã có ba tổ chức cộng sản được ra đời ở Việt Nam trên ba miền. Sự tồn tại và hoạt động riêng rẽ của 3 tổ chức cộng sản này đã dẫn tới hiện tượng tranh giành, đả kích, chia rẽ làm cho phong trào cách mạng Việt Nam không thống nhất

- Nhận thấy thực trạng đó, Quốc tế cộng sản đã chỉ thị cho những người cộng sản ở Việt Nam cần phải thống nhất 3 tổ chức cộng sản lại và giao cho Nguyễn Ái Quốc nhiệm vụ quan trọng này.

- Ngày 1 – 6 – 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã diễn ra tại Cửu Long – Hương Cảng – Trung Quốc.

b. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị thành lập Đảng.

Nguyễn Ái Quốc là người có công lao to lớn nhất trong Hội nghị thành lập Đảng:

- Là người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Đã soạn thảo và thông qua bản Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng, sau này trở thành Bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.

Câu 2 (3,0 điểm)

a. Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp?

- Về phía ta: Luôn chấp hành nghiêm chỉnh đồng thời kiên trì đấu tranh hòa bình, chuẩn bị lực lượng để đề phòng tình thế bất trắc do Pháp gây ra.

- Về phía Pháp: Ngoan cố và giữ vững lập trường thực dân, đàm phán chỉ là thủ đoạn để kéo dài hòa hoãn, nhanh chóng xé bỏ Hiệp định và Tạm ước tăng cường khiêu khích quân sự để quyết tâm xâm lược nước ta lần nữa.

o Ngay sau ngày 6 – 3 – 1946, Pháp mở cuộc tiến công ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
o Tháng 11 – 1946 Pháp khiêu khích tiến công Hải Phòng và Lạng Sơn.
o Đầu tháng 12 - 1946: Pháp gây xung đột với công an và tự vệ của ta ở Hà Nội
o Ngày 17 – 12 – 1946: Pháp bắn đại bác và súng cối vào khu phố hàng bún, chiếm trụ sở Bộ tài chính và các cơ quan khác.
o Ngày 18 – 12 – 1946: Pháp gửi tối hậu thư đòi ta phải giải tán các lực lượng tự vệ và giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng, dọa rằng nếu ta không thực hiện thì ngày 20 – 12 – 1946 quân Pháp sẽ hành động.

Như vậy, từ thái độ và hành động của Pháp mà đỉnh cao là sự kiện ngày 18 – 12 – 1946 thì khả năng hòa hoãn của chúng ta đã không còn nữa, sự nhân nhượng của ta đã đến giới hạn cuối cùng là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập – tự do.

Đêm ngày 19 – 12 – 1946: Hồ chủ tịch thay mặt Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

b. Diễn biến cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19 – 12 – 1946 đến ngày 17 – 2 - 1947).

- Từ 19 – 12 – 1946, ngay khi tiếng súng mở màn kháng chiến toàn quốc bắt đầu bùng nổ, cuộc chiến đấu ở Hà Nội đã diễn ra ác liệt. Nhân dân quăng bàn ghế, cánh cửa, sập gụ kiện, hàng bao cát ra đường phố, xuống đường lập chiến lũy tham gia chiến đấu. Các chiến sĩ vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu nêu cao tinh thần “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu dũng cảm, có một số trận đánh nổi tiếng ở phủ Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân, Nhà Bưu điện.

- Kết quả là: trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, giết và làm bị thương hàng ngàn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, bắn rơi 5 máy bay,… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài.

- Đến tháng 2 – 1947, các chiến sĩ trong Trung đoàn thủ đô đã được lệnh rút khỏi thành phố trở về hậu phương chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm)

Câu 3.a.
Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc (3,0 điểm).

a. Sự thành lập.
- Từ ngày 25 – 4 đến ngày 26 – 6 – 1945, đại biểu của 50 nước đã họp tại Xan-phơ-ran-xix-cô (Mĩ) để thông qua Bản Hiến chương Liên hợp quốc và tuyên bố thành lập Liên hợp quốc.

- Ngày 24 – 10 – 1945, bản Hiến chương Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực.

b. Mục đích: để nhằm duy trì nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước thành viên trên cơ sở việc tôn trọng quyền bình đẳng quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.

c. Nguyên tắc hoạt động: 5 nguyên tắc.
- Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.

- Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

- Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào.

- Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

- Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).

Câu 3.b. Toàn cầu hóa là gì? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX (3,0 điểm).

* Toàn cầu hóa: là sự tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia và các dân tộc trên thế giới.

* Biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa ngày nay:
- Thứ nhất: Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế làm cho nền kinh tế của các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau, tính quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới tăng.

- Thứ hai: Sự phát triển và tác động to lớn của các công ti xuyên quốc gia.

- Thứ ba: Sự sáp nhập và hợp nhất các công ty thành những tập đoàn lớn nhất là các công ty khoa học kĩ thuật nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

- Thứ tư: Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…Các tổ chức này ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế chung của thế giới và khu vực.

Giáo viên: Tổ Lịch sử Hocmai.vn
Nguồn: Hocmai.vn

;
.
.
.
.
.