.

Không được cấp phép, vẫn chiêu sinh đào tạo

.

Đó là Trung tâm Ngoại ngữ AAC, ở số 548-550 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). Mặc dù không được Sở Giáo dục-Đào tạo cấp phép hoạt động, nhưng trong suốt thời gian dài, trung tâm này vẫn ngang nhiên tổ chức chiêu sinh, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, Anh ngữ dành cho sinh viên và người đi làm, luyện thi TOEIC, TOEFL.

Ra sức quảng bá, chiêu sinh

Mặc dù không được cấp giấy phép, nhưng Trung tâm Ngoại ngữ AAC vẫn ngang nhiên hoạt động gần một năm qua. 

Thời gian gần đây, tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp, siêu thị, nhà dân... trên địa bàn thành phố xuất hiện một số người đi phát tờ rơi quảng cáo về hoạt động đào tạo của Trung tâm Ngoại ngữ AAC, ở số 548-550 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). Sau khi nghe người của trung tâm giới thiệu về các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho trẻ em và người lớn, luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhiều phụ huynh đến các địa điểm trên đăng ký cho con em mình học, đã phát hiện cơ quan chủ quản của Trung tâm Ngoại ngữ AAC không rõ ràng, lập lờ. Một phụ huynh kể lại, tôi hỏi nhân viên tại đây, thì có người nói cơ quan chủ quản của Trung tâm AAC là Sở Kế hoạch-Đầu tư, người nói là Sở Giáo dục-Đào tạo...

Chiều ngày 10-6-2010, trong vai người nhà đi đăng ký lớp học Anh văn cho đứa cháu học lớp 6, chúng tôi được cô nhân viên của Trung tâm AAC tư vấn nên cho cháu theo học lớp Anh ngữ thiếu niên, trong khoảng thời gian 10 tuần, mỗi tuần học 3 buổi, với mức học phí 79 USD. Sau khi dẫn chúng tôi xem lớp học ở tầng 2, cô nhân viên này cho biết, giáo viên người Việt Nam là các giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, còn giáo viên nước ngoài là người bản ngữ, đến từ Mỹ (?). Ngoài ra, trung tâm còn có các lớp bồi dưỡng Anh ngữ giao tiếp quốc tế (dành cho người lớn), Anh ngữ kỹ năng thương mại, Anh ngữ thiếu nhi, Anh ngữ chuyên ngành và luyện thi chứng chỉ quốc tế TOEIC, TOEFL, IELTS...

Chưa hết, trên tờ rơi của Trung tâm Ngoại ngữ AAC còn in rõ các đối tác của trung tâm là Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị… để “lòe” mọi người (!).  

Cơ quan chức năng nói gì?

Tờ rơi quảng cáo của Trung tâm Ngoại ngữ AAC dùng để chiêu dụ học viên (ảnh trên).

Để làm rõ thực hư về nguồn gốc của Trung tâm AAC, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo, thì được biết: Ngày 27-1-2010, ông Trần Gia Thông, thường trú tại khối 3B Quang Thành, phường Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) có gửi đơn đến Sở Giáo dục-Đào tạo xin mở lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tại số 548-550 đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). Đến ngày 7-4-2010, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có công văn trả lời cho ông Trần Gia Thông, với nội dung như sau: Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện đã có 21 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ. Theo quy hoạch của ngành, trong giai đoạn 2010-2015, Sở Giáo dục-Đào tạo không cấp phép đặt văn phòng, mở lớp bồi dưỡng, mở chi nhánh, thành lập cơ sở, trung tâm đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn quận Thanh Khê nữa. 

Thế nhưng, mặc dù không được Sở Giáo dục-Đào tạo cấp phép hoạt động, song Trung tâm Ngoại ngữ AAC vẫn ngang nhiên chiêu sinh mở các lớp  đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ suốt gần một năm qua. Ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định, việc Trung tâm Ngoại ngữ AAC chiêu sinh đào tạo học viên như trên là trái với quy định Nhà nước. Trong thời gian đến, Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều lạ ở đây là suốt gần một năm qua, dù hoạt động không có giấy phép, nhưng Trung tâm Ngoại ngữ AAC vẫn ngang nhiên treo biển hiệu, băng rôn, phát tờ rơi, chiêu sinh đào tạo rầm rộ, nhưng chẳng thấy cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Vậy, quyền lợi của học viên ai bảo vệ? Câu trả lời xin nhường lại các cơ quan chức năng thành phố. 

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.