.
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2010-2011

Đề thi ra theo hướng phân hóa trình độ học sinh

.

Không còn bao lâu nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2010-2011 sẽ đến. Mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh và học sinh hiện nay là nội dung đề thi năm nay sẽ ra như thế nào, khó hay dễ…? Trước những lo lắng trên của phụ huynh và học sinh, P.V. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH VĂN HOA (H.V.H), Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố. Ông Hoa cho biết:

Chất lượng dạy và học cấp THPT phụ thuộc nhiều vào chất lượng thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 hằng năm. 

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011 được tổ chức gồm 2 kỳ thi: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT đại trà vào ngày 21, 22-6-2010 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vào các ngày 24, 25, 26-6-2010. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT đại trà, nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Còn riêng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nội dung đề thi theo chương trình THCS hiện hành, bên cạnh đó có những nội dung nâng cao theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục-Đào tạo cho từng môn học.

* P.V: Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, đề thi năm nay đặt ra những yêu cầu gì đối với học sinh?  

- Ông H.V.H: Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 là điều được quan tâm trước tiên trong các kỳ tuyển sinh năm nay. Chất lượng đầu vào bảo đảm sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức dạy học chương trình toàn cấp THPT. Do đó, chúng tôi quan tâm đến việc ra đề thi để tuyển chọn có sự phân hóa trình độ học sinh. Nói cách khác, tuyển sinh có bảo đảm yêu cầu hay không một phần lớn là do đề thi. Đề thi luôn đặt ra các yêu cầu cơ bản cho từng thí sinh tham dự mỗi kỳ thi. Yêu cầu đó là, thí sinh phải nắm vững kỹ năng, kiến thức trọng tâm của chương trình và sách giáo khoa; phải hiểu rõ cấu trúc đề, các yêu cầu cụ thể của từng câu hỏi mà đề thi nêu ra. Vì có sự phân hóa trong mỗi đề thi, nên thí sinh phải thể hiện năng lực cao nhất của mình, theo nguyên tắc, thí sinh nào có kiến thức, kỹ năng làm bài tốt hơn sẽ có điểm cao hơn và sẽ được ưu tiên xét tuyển trước vào trường đã chọn đăng ký theo nguyện vọng dự thi.

* P.V: Bên cạnh hai môn thi Toán và Ngữ văn, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức thi môn tiếng Anh để cộng điểm khuyến khích cho học sinh. Vậy cách tính điểm khuyến khích môn tiếng Anh năm nay như thế nào?  

- Ông H.V.H: Điểm bài thi môn tiếng Anh được quy thành điểm khuyến khích cộng thêm như sau: Bài thi đạt từ 9 điểm đến 10 điểm: cộng 3,0 điểm; bài thi đạt từ 8 điểm đến dưới 9 điểm: cộng 2,5 điểm; bài thi đạt từ 7 điểm đến dưới 8 điểm: cộng 2,0 điểm; bài thi đạt từ 6 điểm đến dưới 7 điểm: cộng 1,5 điểm; bài thi đạt từ 5 điểm đến dưới 6 điểm: cộng 1,0 điểm.

* P.V: Đối với những thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ giải quyết như thế nào, thưa  ông? 

- Ông H.V.H: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2010-2011, toàn thành phố có  13.894 thí sinh dự thi. Chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập là 10.850 học sinh và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ngoài công lập là 1.700 học sinh. Số học sinh còn lại sẽ được tuyển vào học tại 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp-dạy nghề trên địa bàn thành phố. Với những thí sinh chẳng may không trúng tuyển vào lớp 10 trong kỳ thi năm nay, các em còn có cơ hội đăng ký vào học các trường Trung cấp chuyên nghiệp. Nghĩa là, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố luôn bảo đảm điều kiện, cơ hội học tập cho tất cả học sinh đã được xét tốt nghiệp THCS. Nếu các em có nguyện vọng, ý chí thì con đường học vấn không khép lại.

Tạo mọi điều kiện cho các em được đi học, được học tập suốt đời là mục tiêu xây dựng xã hội học tập của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian đến. 

* P.V: Thưa ông, trong kỳ thi năm nay, học sinh cần lưu ý những gì?

- Ông H.V.H: Trước hết, học sinh cần hiểu biết các quy định, hướng dẫn của quy chế thi, lịch thi, môn thi để thực hiện đúng. Trong quá trình ôn tập, cần hiểu rõ mình chưa vững môn nào, kiến thức nào, kỹ năng nào để có kế hoạch bổ khuyết kiến thức kịp thời. Các em hết sức chú ý kiến thức cơ bản của chương trình cuối cấp và nỗ lực tự học, tự ôn tập trên cơ sở hướng dẫn của thầy, cô giáo ở trường. Ngoài ra, các em cần thực hiện đúng thời gian biểu học tập và ôn tập; hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí tốn thời gian, mất sức khỏe. Khi đi thi, các em phải chuẩn bị đúng, đủ các dụng cụ học tập được phép mang vào phòng thi. Và cuối cùng, hãy thật tự tin, bình tĩnh khi làm bài thi.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.