.

Ăn theo mùa thi

.

Ở bất cứ địa điểm thi đại học, cao đẳng nào cũng có một hàng dài các quán nhỏ tự mọc lên, không hàng nào là không đông khách. Chỉ cần một cái bàn nhỏ, vài cái ghế con, mấy chiếc cốc và bình nước, thế là đủ hình thành một quán cóc. Quán nào “sang sang” một chút thì có cái ô hay tấm bạt treo lên che nắng. Giá có tăng gấp đôi, phụ huynh cũng không kêu ca, phàn nàn gì. Và sau vài ngày thi, thu nhập nhiều gia đình tăng lên rõ rệt.

Tăng bàn, tăng ghế... chờ ngày thi

Những quán cóc như thế này mọc lên như nấm tại các điểm thi. 

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày thi đại học, cô Nguyễn Thị Hoa (phường An Hải Tây – quận Sơn Trà) lại lôi 5 bộ bàn ghế nhựa cất trong kho ra cọ rửa thật sạch sẽ. Cô bảo, mấy bộ bàn ghế này được sắm chỉ để phục vụ mùa thi. Ngày thường, thu nhập chính của cô dựa vào xe bán bánh mì ở trước cổng Trường Đại học Kinh tế. Đến mùa tuyển sinh, tranh thủ mở thêm quán nước nho nhỏ một bên để kiếm thêm ít đồng. Cô nói: “Ngày thi thì bán từ sáng sớm đến 10 giờ tối mới nghỉ. Bán mấy ngày này thu nhập cũng gấp đôi, gấp ba so với 1 tuần bán bánh mì”. Khách đông lại vô liên tục nên cô Hoa phải huy động cả nhà ra phục vụ.

Cũng như cô Hoa, chị Đỗ Thị Minh Phú (chủ quán cơm ở gần Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, ngày thi giá một đĩa cơm không tăng (chỉ từ 8 – 10 ngàn đồng/đĩa), chỉ khác một chút, khách vào ăn muốn uống nước phải trả 2 ngàn đồng/ly trà đá, thay vì được uống miễn phí như ngày thường. Không chỉ bán cơm, chị Phú còn tranh thủ xếp thêm vài bộ bàn ghế bán nước giải khát;  bán cả sim, card… và kinh doanh cả chỗ ngồi (một chỗ 3 ngàn đồng), nhờ vậy, có mùa thi chị thu được cả chục triệu đồng. 

Một trong những dịch vụ thu lợi nhiều nhất trong mùa thi phải kể đến những quán cà-phê. Năm nay, mùa thi trúng vào thời điểm World Cup bước vào các vòng đấu gay cấn, nên những quán này mở cửa phục vụ 24/24 giờ cho người xem. Không chỉ khách địa phương, ngay nhiều phụ huynh, thí sinh cũng “miệt mài” theo trái bóng, mặc ngày thi đã gần kề. Chủ quán cà-phê 18 trên đường Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà cho biết, bình thường một ngày chỉ bán được 600 – 800 ngàn đồng, nhưng mùa thi này cộng thêm khách xem World Cup cũng thu được gần 2 triệu đồng/ngày.

Ngoài những dịch vụ quen thuộc trên, mùa thi còn là cơ hội ăn nên làm ra cho các dịch vụ: bán đáp án; giữ xe; bơm, vá xe máy, xe đạp; dán xe, điện thoại…

Phải có “kinh nghiệm” mới kiếm lời được

Chị Phú cho biết, để việc kinh doanh có lợi trong mùa thi cũng phải tính toán, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng. Năm ngoái do không tìm hiểu về số lượng thí sinh dự thi trên địa bàn nên chị đã mạnh tay nâng số lượng thức ăn lên rất nhiều, suýt nữa thì lỗ to. Chị cho biết thêm, năm nay để chắc ăn, chị nhờ mấy đứa con lên mạng tìm hiểu kỹ về tuyển sinh, rồi lân la hỏi dò xung quanh xem tình hình thế nào. Riêng cô Hoa thì cho biết: “Mình chỉ buôn bán theo mùa vụ nên không dự trữ hàng.
 
Cứ hết thì chạy qua đại lý mua về bán, chứ sau mấy ngày thi biết bán cho ai nữa”. Chuyện tưởng đơn giản vậy nhưng vẫn có người “thiếu kinh nghiệm” nên dù bán nhiều nhưng tiền lời chẳng được là bao. Một số người lại “than thở”, 2 năm trở lại đây buôn bán trong mùa thi không được bao nhiêu vì thí sinh được sinh viên tiếp sức mùa thi giúp đỡ hết rồi!

Từ lâu nay, mỗi mùa thi tới lại là một dịp tốn kém, vất vả cho cả xã hội. Trong khi các loại dịch vụ phục vụ thi cử tha hồ tăng giá, người bán hàng ăn nên làm ra thì nhiều người dân phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”,  gồng mình chi trả mọi chi phí. “Bây giờ đĩa cơm 15 ngàn chứ 25 ngàn cũng phải ăn. Mình là “khách”, người ta là chủ, khách phải theo chủ là chuyện hiển nhiên rồi. Chỉ mong con cái biết thương cha mẹ, học hành thi cử đàng hoàng thì có tốn kém hơn nữa cũng cam lòng”, bác Trần Đình Ngọc, ở Duy Xuyên – Quảng Nam có con dự thi tại điểm thi Trường Đại học Bách khoa bày tỏ.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.