.

Hai thí sinh khiếm thị và ước mơ trở thành thầy giáo

.

(ĐNĐT) - Sự có mặt của hai thí sinh (TS) khiếm thị trong đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 ở ĐH Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của Hội đồng tuyển sinh lẫn báo giới. Đó là hai em Nguyễn Vũ Nhật và Võ Thế Nguyên.

Để đón hai TS này, HĐT THCS Trần Hưng Đạo phải chuẩn bị sẵn hai chiếc bàn lớn ngay trong phòng hội đồng để tạo điều kiện cho hai em được tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010 với tất cả sự thuận lợi tối ưu. 

Nguyên tỏ ra khá điềm tĩnh khi bước vào môn thi đầu tiên

Nguyên và Nhật đều cùng thi vào khoa Sử, ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Trong khi Nguyên bước vào kỳ thi với tâm thế khá thoải mái, thì Nhựt lại hết sức lo lắng. “Dù chuẩn bị rất kỹ nhưng em vẫn rất lo về thời gian làm bài. Đối với những học sinh khiếm thị như tụi em, thời gian làm bài thi sẽ bị mất mấy chục phút vì các cô phải đọc đề giúp, thao tác chép lại bài thi cũng khá mất thời gian”, Nhựt tâm sự.

Cũng chính vì lo lắng như vậy, nên Nhựt thường xuyên tập luyện viết chữ trên bảng chữ braille trước khi phát đề thi, em bảo, làm như vậy tay sẽ đỡ cứng, thao tác viết bài sẽ nhanh hơn.

Cùng đồng hành với hai TS là hai cô giáo của trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cô Phan Thị Thanh Vân và cô Đặng Thanh Tùng. Thầy Phan Văn Hòa, Trưởng điểm thi Trần Hưng Đạo cho biết, ngoài nhiệm vụ đọc đề thi cho hai TS, hai cô sẽ kiêm nhiệm nhiệm vụ dịch bài thi từ chữ nổi sang chữ bình thường. Sau đó, cả bài thi viết bằng chữ thường lẫn chữ braille đều được hội đồng thi thu đồng thời để kiểm tra sau này.

Phòng thi này, ngoài sự giám sát của hai giám thị coi thi, điểm trưởng cũng thường xuyên túc trực để quan sát.

Trong khi đó Nhật tỏ ra khá căng thẳng

Ngay khi tiếng trống vào lớp cất lên, hai cô giáo Vân và Tùng dẫn hai TS từ phòng thi của các em về phòng hội đồng, chuẩn bị cho môn thi đầu tiên của đợt thi thứ hai.

TS Võ Thế Nguyên, dù rất điềm tĩnh, nhưng cũng e dè tiết lộ lo lắng của em, đó là việc sử dụng Atlat để làm bài thi là một điểm yếu đối với các em TS khiếm thị. “Nhưng hy vọng, tụi em sẽ làm bài một cách suôn sẻ”, em nói.

Cô Vân, với “thâm niên” nhiều năm hỗ trợ cho TS khiếm thị dịch bài thi, cho biết cô cũng lo lắng chẳng kém gì hai học sinh của mình, hy vọng các em sẽ đạt được kết quả tốt trong kỳ thi cam go này.

Hai TS khiếm thị đến từ trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đều là hai học sinh khá. Cả hai em đều cùng học Sử với mong ước trở thành thầy giáo, sau khi tốt nghiệp ra trường được làm việc ngay tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, tiếp tục vun đắp ước mơ cho những em học sinh khiếm thị.

Viết Thanh


Chị cõng em đi thi

Chị Nguyễn Thị Lạc cõng thí sinh Nguyễn Thị Phương lên phòng 373, ở tầng 3 Hội đồng thi Trường THCS Trần Hưng Đạo để dự thi

Trong ngày thi đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 ở ĐH Đà Nẵng, tại Hội đồng thi THCS Trần Hưng Đạo, nhiều người rất cảm động trước hình ảnh một người chị gái cõng em mình đi thi.

Đó là hình ảnh của chị Nguyễn Thị Lạc, quê ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) và em gái mình là thí sinh Nguyễn Thị Phương, dự thi khối C vào ngành Sư phạm Địa lý, Trường ĐH Sư phạm.

Trước đó, ngày 8-7, chị Lạc chở Phương bằng xe máy từ nhà ra Đà Nẵng để làm thủ tục dự thi, nhưng chẳng may đến địa phận huyện Điện Bàn (Quảng Nam) thì xe của hai chị em bị một xe tải va quẹt, khiến Phương bị trật gân chân, không đi lại được. Hay chuyện, Hội đồng thi Trường THCS Trần Hưng đạo đã cho phép mỗi buổi thi chị Lạc cõng phương lên phòng 373 ở tầng 3 của hội đồng thi này để dự thi.

Quệt những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, chị Nguyễn Thị Lạc nói: Vất vả mấy mình cũng chịu được, miễn là em Phương cố gắng làm bài thi đạt kết quả tốt là được”.

Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.