.

“Hậu phương” của sĩ tử

.

Tiếp sức mùa thi (TSMT) không còn là chuyện riêng của đội quân tình nguyện, nó đã trở thành mối quan tâm thường trực của cả xã hội mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đã có “hậu phương” vững chắc…

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ thành phố tặng quà cho các thí sinh nghèo tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2010. 

Năm nay, gia đình chị Trịnh Thị Kim Phượng, ở 122 Nguyễn Thị Định (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) tiếp sức các thí sinh về Đà Nẵng dự thi đại học, cao đẳng bằng 300 suất ăn miễn phí trong suốt 10 ngày diễn ra 2 đợt thi. Chị cho biết, 300 suất ăn này là sự đóng góp của đại gia đình, từ hai bên nội ngoại.

Tấm lòng hảo tâm như gia đình chị Kim Phượng đã không còn là “hiện tượng lạ” bởi suốt gần 10 năm qua, nhiều tên người, tên nhà, tổ chức đã gắn bó với hoạt động tiếp sức mùa thi. Có những cái tên đã trở thành điểm sáng trong các mùa tiếp sức như bác Hoàng Thị Hồng trọ tại số 22 Lê Quang Sung, tổ 36, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, làm nghề bán vé số nhưng đã 10 năm cho thí sinh ở trọ miễn phí, dù nơi bà ở cũng là phòng trọ. Chính nhờ lòng nhiệt tâm của những người như chị Phượng, bác Hồng mà nhiều thí sinh cùng người nhà đã bớt đi phần nào sự vất vả khi lần đầu đến Đà Nẵng dự thi.

Bạn Trần Thanh Phong, đội trưởng đội TSMT tại điểm trường Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê) cho biết, bây giờ việc triển khai chương trình TSMT đã dễ dàng hơn rất nhiều, vì qua gần 10 năm mình đã có được “hậu phương” vững chắc từ sự ủng hộ của người dân. Có những gia đình khi biết các bạn đi khảo sát nhà trọ cho thí sinh dự thi đại học, cao đẳng là đồng ý cái rẹt. Còn những địa chỉ có sẵn từ các năm thì cứ thế mà dẫn thí sinh đến ở. Có không ít bạn tình nguyện viên sau khi tham gia vài mùa tiếp sức đã trở thành tuyên truyền viên đi vận động gia đình, hàng xóm mở rộng cánh cửa nhà mình để đón các thí sinh. 

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Tính đến nay, qua gần 10 năm triển khai chương tình TSMT, Thành Đoàn Đà Nẵng đã huy động hơn 8.000 tình nguyện viên tham gia; giới thiệu hơn 90.000 chỗ trọ miễn phí, giá rẻ; phát ra hơn 70.000 cẩm nang, bản đồ thành phố; hỗ trợ hơn 50.000 suất ăn miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn; đã tư vấn, hỗ trợ cho trên 100.000 thí sinh đến dự thi tại Đà Nẵng. Đồng thời, nhận được sự giúp đỡ của hàng trăm cá nhân, gia đình, nhiều tổ chức trên địa bàn thành phố. 

Không “lặn lội” đưa đón, tư vấn thí sinh như các tình nguyện viên, sự giúp đỡ của người dân được ví như những chú ong thợ làm việc không biết mệt mỏi và cũng không cần được ai vinh danh. Khi chia sẻ với chúng tôi, chị Phượng nói: “Hai năm trước tôi đã trải qua cảnh “lều chõng” cùng con đi thi ở thành phố Hồ Chí Minh, nên rất hiểu những khó khăn khi đến nơi đất khách quê người. Ban đầu chỉ nhà tôi nấu, sau mấy anh chị em thấy xúc động quá cũng xắn tay làm luôn”.

Không giới hạn phạm vi tiếp sức trên địa bàn thành phố, nhiều tổ chức, cá nhân đã có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương khác nhằm có chương tình giúp đỡ thí sinh kịp thời. Hai năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chương trình đón tiếp và tặng quà cho các thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến Đà Nẵng dự thi. Năm 2010 này, Hội đã đón tiếp hơn 450 thí sinh, hỗ trợ 1.000 suất ăn miễn phí. Chị Lê Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi mong muốn với sự hỗ trợ của mình, có thể giúp các em bớt khó khăn khi lần đầu ra Đà Nẵng dự thi. Đây là chương trình có ý nghĩa mà Hội sẽ tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo”.  

Qua gần 9 năm được triển khai tại Đà Nẵng, chương trình TSMT đã cho thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của nó trong cộng đồng. Một lần nữa khơi gợi ý thức sẻ chia trong từng người dân. 

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.