.

Mỗi ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau

Trong năm học 2009 - 2010, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày). Các trường phải khiển trách 881 em, cảnh cáo hơn 1.500 em và buộc thôi học có thời hạn tối đa một năm với hơn 700 em.

Những thông tin này được đưa ra tại hội thảo tìm giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau sáng 28-7.

Tại đây, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) Phạm Thành Đàm cũng cho biết, từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm, xảy ra khoảng 10.000 vụ phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên phạm tội chiếm 1/4 tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, xảy ra tình trạng đánh nhau trong học sinh là do phần lớn các em thích thể hiện bản thân thái quá, thiếu khả năng kiềm chế và cách ứng xử văn hóa với những mâu thuẫn nhỏ nhặt; thậm chí, còn cấu kết với thanh niên xấu bên ngoài để xử chính bạn mình.

Nhiều ý kiến đồng tình khi đưa ra nguyên nhân học sinh đánh nhau liên quan đến sự thiếu quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức của các bậc cha mẹ, sự tác động bởi mặt trái của xã hội, sự thiếu hụt trong giáo dục đạo đức, lối sống của các nhà trường...

Ông Phạm Hữu Bồng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam chia sẻ, không nên vội đổ tội cho ai trong việc này mà "phải làm sao để giáo dục kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho các em."

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý với Bộ GD-ĐT, năm tới, ngành giáo dục nên có thêm khẩu hiệu "nói không với học sinh đánh nhau" và có thể biên chế thêm giáo viên dạy kỹ năng sống.

Ông Nhân cho rằng, để hạn chế học sinh đánh nhau, cần giáo dục đạo đức và tổ chức các hoạt động vui chơi tích cực, lành mạnh. Ông giao việc cho Bộ GD-ĐT tham mưu với Thủ tướng để các ngành cùng tham gia và làm liên tục trong 5 năm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện đang gấp rút hoàn thành bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống và sẽ tập huấn cho trên 300 giáo viên nòng cốt cho các địa phương.

Theo Vietnamnet

;
.
.
.
.
.