.

“Mốt” du học

Trong khi bạn bè lo lắng đèn sách để vượt vũ môn thì nhiều học sinh vẫn bình chân như vại, xem kỳ thi đại học là chuyến dạo chơi trước khi lên đường du học. Du học nước ngoài đang là “mốt”, được nhiều gia đình khá giả lựa chọn để làm hành trang cho con bước vào đời.

 “Mốt”… du học

Ngay từ khi cậu “quý tử” mới vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Thu H. (quận Sơn Trà) đã quyết định sẽ đầu tư cho cậu cả du học. Theo quan điểm của chị H. thì, chúng ta đã gia nhập WTO, hòa chung không khí hợp tác, giao lưu trên toàn thế giới, cho con du học để nó mở mang đầu óc, sau này về phục vụ đất nước.

Nếu như ngày xưa được ra nước ngoài tu nghiệp (dưới sự bảo trợ của Nhà nước) là một niềm vinh dự lớn lao, hiếm có. Ra đi để “tầm sư học đạo” mong ngày vinh quy bái tổ. Bây giờ, không ít gia đình cho con đi ra nước ngoài học chủ yếu để cho bằng bạn bằng bè, nở mày nở mặt. Vừa tốt nghiệp THPT, N.A.V đã được gia đình cho khăn gói lên đường sang Singapore du học với tổng kinh phí của chuyến đi 50.000USD cho 3 năm học đại học, chưa kể những phát sinh nằm ngoài dự kiến.

Khi được hỏi vì sao không chọn một trường đại học nào đó trong nước, A.V thản nhiên trả lời: “Ba mẹ em cho đi mà, với lại bạn em đứa nào cũng đi nên em cũng muốn đi. Du học sau này về dễ xin việc, thu nhập lại cao hơn nhiều”. Không riêng gì A.V mà rất nhiều học sinh có suy nghĩ như vậy khi quyết định du học.

Các em ở tuổi vị thành niên thường có tâm lý ganh đua và chạy theo trào lưu để không thua chị kém em, những lúc như vậy cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng cho con cái. Vậy nhưng, qua tìm hiểu lại thấy một thực tế đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh đã bằng mọi giá cho con du học mà quên mất một điều là liệu con mình có học nổi hay không? Bị lóa mắt bởi những cơ hội vàng mà một tấm bằng du học có thể đem lại đã khiến nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền kha khá, cho con vào một ngôi trường danh giá là sẽ giúp cho con có một tương lai sáng sủa.

Thậm chí, có những trường hợp cá biệt như H.N.N ở đường Phan Châu Trinh đã bị ba mẹ “bắt” sang Trung Quốc học vì ở nhà quậy quá, “hy vọng sang bên đó khổ cực, nó sẽ nên người”, mẹ N. nói. Chẳng biết có nên người hay không, nhưng có một thực tế là phần lớn những em bị du học kiểu đó đã không thể theo nổi chương trình, bỏ học ra ngoài đi làm kiếm tiền và không ít trường hợp rơi vào ăn chơi, trong khi kiến thức đã để lại cho thầy cô. Trên thực tế, đầu vào ở trường đại học nước ngoài thường khá dễ, như du học ở Singapore không cần phải có chứng chỉ Anh văn IETLS/TOEFL, đối với học sinh vừa tốt nghiệp THPT, chỉ cần đăng ký vào học đại học mà không cần qua thi tuyển... nhưng chương trình học lại rất nặng. Nếu không chăm chỉ và có một trình độ tiếng Anh thật tốt thì các em sẽ khó theo nổi chương trình học.

Không đậu đại học thì cũng du học

Mang nặng tâm lý cho con du học, nhiều gia đình đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho con mình trong thời kỳ “tiền du học”. Trong suốt 3 năm THPT, ngoài việc giữ cho kết quả học tập không dưới 6,0, con trai của chị H chỉ chăm chăm học tiếng Anh  để chờ ngày lên đường. Ba tháng cuối của năm học, chị H còn đầu tư cho cậu cả học một lớp Anh văn cao cấp, với số tiền bỏ ra là 35 triệu đồng/60 tiết, gần bằng 2 năm học của sinh viên đại học ở trong nước.

Tương tự, dù kinh qua không ít trường lớp để mài dũa trình độ Anh văn, nhưng trong kỳ thi đại học năm 2009, N.A.V chỉ được 7 điểm/3 môn, trong đó môn chính Anh văn chỉ dừng ở con số 2.

 Tâm lý xem nhẹ việc thi và học các trường đại học trong nước đã khiến các em bỏ qua cơ hội sát hạch chính xác và bổ ích cho kiến thức của mình. Trong khi rất nhiều bạn bè thức khuya dậy sớm để chuẩn bị cho kỳ thi mang tính bước ngoặt của cuộc đời, thì những học sinh như A.V vẫn thản nhiên ngày ngày cùng nhóm bạn của mình đi chơi, uống café và như các em nói: “Để không quên quê hương khi đi xa”. Vẫn biết rằng có nhiều cách để cho con em mình bước vào đời, nhưng quan trọng hơn cả là phải đầu tư sao cho đúng để không phải vứt tiền qua cửa sổ một cách vô ích. Bất cứ ở đâu, nếu không có kiến thức thì đều không được trọng dụng. Với một học lực như vậy, không biết V. sẽ học tập như thế nào khi những trường quốc tế vẫn luôn có thông lệ: Vào dễ nhưng ra rất khó!

Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.