.

Theo chân các “thầy, cô” đi cắm bản

.

Chạy dọc đường ĐT601 theo triền sông Cu Đê, chúng tôi đến vùng núi Tà Lang-Giàn Bí một chiều giữa tháng 7 đầy nắng để tận mắt trông thấy “Ánh sáng văn hóa hè” do Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức hằng năm. Ba thầy giáo và 25 bạn học sinh đã không quản ngại đường xa, núi đồi, họ lên với đồng bào Cơtu xã Hòa Bắc để giữ cho cái chữ các em nhỏ nơi đây không theo con suối ngày hè tắm mát trôi xuôi.

Được làm thầy giáo, cô giáo bọn em vui lắm

Ghé lại một quán nước bên đường hỏi thăm, không khó để tìm ra mấy thầy, cô giáo về dạy hè ở đây. Chị chủ quán đon đả: “Mấy thầy ở trên dốc, trên trạm xá của thôn ấy. Chốc nữa các thầy, các cô đến nhà dạy trẻ con đó. Có mấy thầy, mấy cô lên, thôn xóm vui nhộn hẳn. Mấy đứa nhỏ chăm học cả ngày, bà con mình ai cũng mừng lắm”.

Nguyễn Thị Tố Nga đang tỉ mỉ chỉ từng nét chữ cho các em nhỏ tại nhà một người dân trong thôn Tà Lang

Chúng tôi lên nơi “đóng quân” của thầy trò Trường Phan Thành Tài-Hòa Vang đã có mặt ở đây được một tuần. Không khí sinh hoạt vui vẻ, tiếng cười rộn vang cả khu trạm xá. Một vài bạn tranh thủ ôn bài, “soạn” giáo án để chiều đến dạy cho các em nhỏ trong thôn Tà Lang. Thầy Bùi Thanh Phú, phụ trách đoàn cho biết: Thực hiện chủ trương của Huyện Đoàn Hòa Vang, đã thành lệ, cứ vào dịp hè hằng năm là các trường THPT trong huyện thay phiên nhau lên với đồng bào để giữ cái chữ cho các em nhỏ được tròn trịa, không để các em bỏ quên nét chữ đã học được trong năm. Cả đoàn có 25 em học sinh lớp 10, lớp 11 Trường Phan Thành Tài và đều là các học sinh khá, giỏi, chủ yếu là các bạn lớp trưởng, bí thư chi đoàn của lớp. Các em rất có ý thức tập thể cũng như kiến thức để bổ túc, ôn tập cho các em nhỏ tại đây”.

Theo chân các “thầy, cô giáo đi cắm bản”, chúng tôi đến một gia đình người dân trong thôn Tà Lang để chứng kiến con chữ các em nắn nót truyền cho các trẻ nhỏ ở đây. Rất chăm chút, tỉ mỉ và nhẹ nhàng, tuy chưa qua một trường lớp nghiệp vụ sư phạm nào, nhưng nhìn cách các em truyền đạt cho “học sinh” của mình khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. “Đây là lần đầu em lên miền núi “dạy học”. Em vui lắm, được cầm tay nắn nót từng nét chữ cho mấy đứa nhỏ khiến chúng em cảm thấy như mình lớn lên hẳn. Mai này em sẽ thi vào ngành sư phạm để ra trường làm cô giáo” – Nguyễn Thị Tố Nga, lớp 10/6 Trường THPT Phan Thành Tài hồ hởi tâm sự. Già dặn hơn một chút, Nguyễn Văn Lợi, lớp 10/10 nhìn nhận: “Cuộc sống của bà con trên này còn nhiều thiếu thốn, các em nhỏ nhiều khi do phong tục của đồng bào thường bị bỏ bê chuyện học hành, nhất là trong dịp nghỉ hè, không được như dưới phố huyện”.

Hè cũng được học, chúng cháu vui lắm

Nhìn khuôn mặt hớn hở của đám trẻ nhỏ, ai cũng vui lên sau chặng đường xa từ phố lên rừng. Tinh nghịch, hiếu động nhưng cũng rất ngoan ngoãn nghe lời mấy “thầy, cô”. Phan Hữu Thành, 9 tuổi, học lớp 3 nhanh nhảu nghe được nhắc đến tên mình khi đang ngồi trong lòng “thầy” Lợi: “Cháu vui lắm, cháu rất nghe lời mấy thầy, không nghịch đâu. Hè nào cũng có mấy thầy, cô lên dạy hè, nhà cháu bố mẹ đi làm cả, không ai ở nhà, nếu các thầy, cô không lên thì chỉ mấy đứa nhỏ với nhau ra tắm suối, vui chơi chứ không học đâu. Cháu sẽ học lên như các thầy, cô để được dạy hè những em nhỏ khác sau này”.

Với việc phát động chương trình “Ánh sáng văn hóa hè” của Huyện Đoàn Hòa Vang, hiệu quả của chương trình này thấy rõ theo thời gian. Trong dịp hè năm nay đối với xã Hòa Bắc, thôn Tà Lang, thôn Giàn Bí, Huyện Đoàn tổ chức cho ba trường THPT trong huyện thay phiên nhau, mỗi trường một tuần lên dạy hè cho các em vùng sơn cước này. Sau Trường Phan Thành Tài sẽ đến Trường Ông Ích Khiêm. Niềm vui không chỉ tỏa lên trên nụ cười trẻ thơ ở đây, mà còn cả thôn, cả bản này trong ánh mắt của mỗi phụ huynh. Dù có xa xôi so với phố xá dưới kia, nhưng sự học ở đây luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể huyện Hòa Vang quan tâm.

Tạm biệt Tà Lang-Giàn Bí, trở về phố mà khuôn mặt tươi vui, háo hức của 25 học sinh lên dạy hè xen lẫn ánh mắt ngây ngô, nụ cười trong trẻo của mấy em nhỏ miền sơn cước Hòa Bắc cứ đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Bây giờ, phố và núi đã không còn cách xa nhau nữa rồi.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.