.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Mẹ ơi! Con chẳng có hè...

.

Ngày nay, trẻ con ở thành phố dường như chẳng có mùa hè, cứ sau ngày nhà trường tổ chức lễ bế giảng, trao thưởng cho học sinh độ dăm hôm, là ngay lập tức các lò học thêm lại rục rịch vào mùa.

Vì muốn con em mình giỏi, không ít phụ huynh đã biến kỳ nghỉ hè của con em mình thành “học kỳ 3” ở các lớp học thêm. Trong ảnh: Một lớp học thêm ở quận Liên Chiểu. Ảnh: Phương Chi

Khổ sở nhất là phụ huynh của những học sinh cuối cấp, khi con vừa mới rời ghế nhà trường là đã bắt đầu chạy đôn, chạy đáo để tìm nơi cho con học hè… Nhiều học sinh chỉ được nghỉ hè độ một tuần để cha mẹ tranh thủ đưa đi thăm ông bà nội ngoại, hoặc đi du lịch, tham quan ở một thắng cảnh nào đó… Khi trở về là bắt đầu cặp sách trên vai để “chạy sô” đến với các lò học thêm.

Nhiều phụ huynh cho rằng, để con chơi mãi trong hè sẽ rơi vãi kiến thức, nhưng đại đa số phụ huynh có chung một tâm thế là thấy con người khác đi học thêm thì cũng phải cho con mình đi học thêm. Điều quan trọng hơn nữa là học hè được xem như một giải pháp tốt nhất để cha mẹ yên tâm về con cái trong thời gian làm việc, vắng nhà…

Một tất yếu trong cuộc sống là có cầu ắt phải có cung, một khi phụ huynh học sinh có nhu cầu cho con đi học thêm trong hè thì các thầy, cô giáo cũng tổ chức các lớp dạy hè để đáp ứng nhu cầu ấy. Học lớp hè có, học nhóm hè cũng có, thậm chí là học kèm trong hè một thầy một trò cũng có… Ngoài ra, các em học sinh còn học bơi, học võ, học đàn, bóng rổ, hội họa… Tôi cũng có con trai đang tuổi chuẩn bị bước vào bậc THCS, nên cũng suốt ngày phải đi học thêm, cứ bạn học môn gì thì mình học môn đó, những Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Vật lý... rồi bơi lội, cầu lông...

Rất biết chuyện để con phải “chạy sô” học hè như vậy là bất hợp lý, là “đánh mất tuổi thơ” của con mình, nhưng xét cho cùng thì bản thân gia đình tôi không thể là một ngoại lệ trước trào lưu của cuộc sống. Cậu con trai suốt ngày than thở: “Mẹ ơi! Con chẳng có hè”. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều động viên con mình theo cách… rất cũ, rằng là: “Bố mẹ biết thế, nhưng so với các bạn trong lớp, con cũng đã học thêm nhiều  đâu…”.

Để có tư liệu về học hè, tôi đã gọi điện thoại cho một vài người bạn đang có con học ở các cấp học từ nhỏ đến lớn. Với bất cứ ai, tôi cũng nhận được câu trả lời là “cháu vẫn đi học thêm đều đặn”, thậm chí có người còn bảo rằng “đang giai đoạn nước rút ông ạ”. Nước rút có nghĩa là đang tập trung cao độ để thi vào trường chuyên Nguyễn Khuyến ở cấp THCS hay trường chuyên Lê Quý Đôn bậc THPT. Có trường hợp là luyện trong hè để thi vào các lớp chuyên trong trường mà các em sẽ theo học trong năm học mới…

Thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm qua đã rất quan tâm đến vấn đề dạy thêm và học thêm. Nhiều văn bản, quy định của UBND thành phố, của ngành Giáo dục-Đào tạo về vấn đề này đã được ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế những nỗ lực của chính quyền và ngành hữu trách cũng chỉ mang tính răn đe mà thôi. Thực tế cho thấy, ngăn cấm vấn đề dạy thêm, học thêm ở một đô thị như Đà Nẵng là điều rất khó, một khi mà các chế tài xử lý về vấn đề này còn có nhiều ngóc ngách để người vi phạm biện minh.

Nói về vấn đề này, nhiều phụ huynh cùng khẳng định “việc học thêm trong hè là một thực tế tất yếu”, họ cho rằng học để củng cố kiến thức cho con; phụ huynh khác thì mong muốn con đi học thêm trong hè để nâng cao trình độ, biết trước kiến thức sẽ học và không thua sút so với bạn bè. Thế nhưng có phụ huynh khẳng khái cho rằng: cho con đi học thêm là một cách nhờ người khác giữ giúp con mình một cách khuôn phép theo chiều hướng tích cực...

Hy vọng rằng đến lúc ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ có những đột phá trong cải cách; tư duy về chất lượng giáo dục trong bản thân mỗi người sẽ có những bước thay đổi thì lúc đó hiện trạng “học sinh chạy sô trong hè” sẽ từng bước được giải quyết…     
                                         
QUỐC ANH  

;
.
.
.
.
.