.

Khi tấm bằng cử nhân là gánh nặng...

.

Con đậu đại học (ĐH) là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo và gánh nặng đối với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Con đậu ĐH, cha mẹ lo!

Đi làm thêm để phụ giúp gia đình là lựa chọn của nhiều SV.

Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Nở, ở tổ 5, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười vì đứa con trai thứ hai của chị, em Phùng Thái Bảo vừa có kết quả đậu 2 trường ĐH: Bách khoa (23,5 điểm) và ĐH Thủy sản Nha Trang (21 điểm). Tâm sự với chúng tôi, vợ chồng chị bộc bạch: “Không có gì sung sướng bằng con đậu ĐH. Suốt cả tuần nay vợ chồng chị không đêm nào ngủ trọn giấc vì mừng và lo.

Lo vì bây giờ em nó đậu ĐH nhưng gia đình không có tiền mua xe cho con đi học (nhà ở xa trường), tiền nhập học… nhiều thứ tiền quá, mà nuôi 3 đứa con ăn học chứ ít ỏi gì đâu”. Cả nhà 5 miệng ăn nhờ vào quầy hàng tạp hóa ở chợ của chị khiến cho mọi chi tiêu đều phải dè xẻn đến mức tối thiểu nhất. Chị cho biết: “Cháu đầu năm nay cũng lên năm 3 ĐH Duy Tân rồi. Nó đi làm thêm phụ giúp gia đình từ đầu năm 1, thằng em cũng theo gót chị, bảo vào ĐH sẽ kiếm việc làm lấy tiền nộp học phí”. Không chỉ riêng gia đình chị Nở mà ở nhiều gia đình khác, niềm vui của con nhà nghèo không có mấy trọn vẹn bởi những lo toan từ miếng cơm, manh áo.

Mấy bữa nay, chị Đỗ Thị Lan, ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang gần như kiệt sức vì lo cho đứa con đầu vào ĐH. Bán sớm 2 cặp heo vừa trổ mã, vay nóng ở hàng xóm cũng được 3 triệu đồng chuẩn bị cho con nhập học. Chị thật lòng chia sẻ: “Thà con mình học dốt mình chịu, chứ đằng này nó học giỏi, thi một lúc đậu 2 trường, mình không cho con đi học là có tội với nó. Tui khổ mấy cũng được, nhất quyết cho con đi học”. Chồng mất sớm vì tai nạn, một mình chị làm lụng vất vả để nuôi 3 đứa con ăn học. Mọi niềm vui, nỗi buồn của người phụ nữ ấy chỉ quanh quẩn ở 3 đứa con. Bù lại, con chị đứa nào cũng học giỏi, thương mẹ, ngoài giờ học là về phụ giúp việc nhà.

Gánh nặng trả “nợ” cho gia đình

Để hoàn thành chương trình đại học, mỗi sinh viên phải mất từ 60-80 triệu đồng, đó là chưa kể đến những khoản phát sinh ngoài dự kiến. Mỗi tháng, từ việc nuôi heo, làm vườn, chị Lan thu về được 3 triệu đồng, một số tiền quá ít ỏi khi trong nhà có 3 đứa con đi học, nhất là trong thời kỳ giá cả tăng cao. Cái nghề nuôi heo của chị cũng bấp bênh khi dịch bệnh cứ hoành hành liên miên. Mỗi ngày chị lại bỏ vào hũ tiết kiệm đặt dưới góc giường 10 ngàn đồng. Sạp hàng của chị Nở mấy tháng nay bán buôn cũng không được bao nhiêu, khi người đi chợ cũng dần bó hẹp các khoản chi tiêu. Một ngày ngồi ngoài chợ từ tờ mờ sáng cho đến chạng vạng, chị cũng chỉ kiếm được 50 ngàn tiền lời. Chẳng biết khi nào mới tích lũy được tiền để trả hết nợ, cho con mua xe máy, xin việc khi ra trường?

Một lựa chọn tối ưu nhất của các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đó là làm thêm để gánh bớt nhọc nhằn cho gia đình. Đứa con gái lớn của chị Nở đã nhận dạy kèm cho học sinh cấp 2 suốt 2 năm nay. Những hôm con đi dạy về khuya phải ăn cơm nguội, lòng chị se sắt...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết: “Hòa Phước là xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Có nhiều gia đình bây giờ nếu bảo bỏ ra một lúc 2, 3 triệu đồng là không có. Những gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn nhưng con đậu ĐH, xã đều có những phần quà để động viên các em. Dù chẳng là bao nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cũng như thế, bà Hồ Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông nói: “Hiện nay cả nước đang đẩy mạnh chính sách cho sinh viên vay vốn. Mỗi học kỳ được vay 4 triệu đồng và ra trường đi làm 3, 4 năm (tùy theo cấp học) mới hoàn trả tiền, lãi suất hằng tháng chỉ từ 0,5-0,6%. Các cấp Hội đều tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình làm thủ tục vay”.

Nhờ chính sách này, nhiều gia đình đã bớt đi được phần nào gánh nặng chạy tiền cho con vào năm học. Chị Nở chia sẻ: “Chỉ mong con có sức khỏe, đừng đau ốm là mừng rồi. Bây giờ mà trong nhà có người mắc bệnh là không biết xoay xở làm sao cả, đụng cái gì cũng tiền, chóng cả mặt, nhưng cũng phải ráng thôi. Mình khổ rồi phải ráng cho con nó được sung sướng sau này”. Nỗi lòng của người mẹ nghèo như thắt lại mỗi khi nghe ai đó khoe, đang mở tiệc mừng con đậu ĐH. Con chị đâu thua kém gì ai, chỉ thua mỗi chữ “nghèo”.
             
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.