.

Những đề văn giàu tính nhân văn

.

Những năm gần đây, ngành Giáo dục-Đào tạo có nhiều đổi mới về học hành, thi cử, có những chuyển biến rất tích cực, đáng ghi nhận. Một trong những đổi mới được thể hiện rõ nét là đào tạo chất lượng thật sự cho học sinh, kiên quyết loại bỏ hiện tượng ngồi nhầm lớp. Xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong nhiều chuyển biến được nhiều người đồng tình, đó là việc ra đề thi ngữ văn trong những năm gần đây, nhất là năm nay.

Học sinh làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh tư liệu)

Đầu tiên phải nói đến đề thi môn Văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua (khóa ngày 1 tháng 6). Trong đề thi tốt nghiệp lần này, ngoài các câu hỏi thuộc phần nghị luận văn chương mà các em được học trong các tác phẩm văn học, học sinh còn phải hoàn thành một câu nghị luận xã hội thật hay – “Lòng yêu thương”. Theo tôi được biết, rất nhiều người và đặc biệt các em học sinh khá tâm đắc với đề bài này.

Nhiều em công nhận đề văn rất hay và giàu tính nhân văn. Nhất là trong thời gian gần đây, khi các báo, đài và thực tế cuộc sống báo động về hiện tượng “vô cảm” rất đáng lo đã và đang diễn ra ở một số người, trong đó có học sinh. Với đề văn nói về lòng yêu thương, các em phải “yêu thương” mới có cơ sở để làm bài. Chí ít các em cũng phải biết thế nào là yêu thương để rồi... làm bài yêu thương! Đề bài đã “đánh thức” trong các em tình cảm cao đẹp, thiêng liêng mà đôi khi cuộc sống công nghiệp hiện đại đã vô tình cuốn đi.

Gần đây nhất, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, những người ra đề đã có một bước đột phá trong cách ra đề. Cũng giống như đề thi của mấy năm gần đây, ngoài ba câu hỏi tiếng Việt (mỗi câu 1 điểm), còn có hai câu 4 và 5 thuộc hai lĩnh vực nghị luận xã hội và nghị luận văn chương. Cũng có một số ý kiến cho rằng, đề thi vào lớp 10 năm nay dài quá, khó quá nên nhiều học sinh làm không đạt. Theo tôi, đề thi năm nay rất hay. Trước hết, hãy xét đến câu hỏi số 4: “Viết một đoạn văn hay một bài văn ngắn, trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập” (2 điểm).
 
Rõ ràng, với đề này dù muốn hay không, các em cũng phải… tự lập mới làm được. Vấn đề nghị luận xã hội là muôn hình, muôn vẻ. Các em phải học, phải quan tâm đến cuộc sống, phải có vốn kiến thức về xã hội, phải có tính tự lập..., đó là yêu cầu tối thiểu để các em bày tỏ suy nghĩ của mình về đề bài một cách đúng đắn. Thử hỏi, với một số em thường có tính ỷ lại, “trông chờ” hoặc thích… “dựa dẫm” thì làm sao có thể giải quyết vấn đề “hóc búa” này?

Đây cũng lại là một đề bài hoàn toàn không có trong văn mẫu! Tuy nhiên, qua sự hướng dẫn cách làm bài của thầy cô, bằng cái “tâm” của mình, học sinh sẽ làm được. Với câu hỏi số 5: “Phân tích đoạn thơ Cảnh mùa xuân, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du” (5 điểm). Đây là một đề bài thuộc dòng văn học cổ (văn học trung đại). Tất nhiên, đề bài này cũng sẽ vô cùng khó đối với những học sinh học vẹt, học tủ mà thôi. Chúng ta nhớ rất rõ, trước khi thi tuyển sinh vào lớp 10, trên báo chí, đài truyền hình và thầy cô giáo cũng đã bao lần nhắc nhở: “Đề thi năm nay không khó nhưng yêu cầu học sinh học kỹ”.

Thật đáng buồn và đáng lo ngại khi nhiều em học sinh vẫn thích học tủ, chạy theo… “hên xui”! Có một số em còn “kháo” với nhau: “Văn thì cần gì học, chỉ cần “chế” là có điểm”?!! Trở lại với đề bài thi ngữ văn, bên cạnh những học sinh “bó tay” vẫn có nhiều em làm bài tốt, rất đạt. Đó là thực chất. Đề bài thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chắc chắn sẽ như hồi chuông cảnh báo cho các em. Sẽ không có chỗ đứng cho ai học vẹt, học tủ.

Thêm một đề văn rất hay nữa, thiết nghĩ cũng xin nêu ra ở đây để chúng ta suy gẫm. Đó là đề thi vòng một của môn văn vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đề yêu cầu học sinh viết về lời cảm ơn và xin lỗi. Một đề bài nghị luận nói về vấn đề hết sức bình thường trong cuộc sống, nhưng không phải học sinh nào cũng nói được hai từ đơn giản đó.

Xưa nay chúng ta vẫn thường nói “Văn học là nhân học” và “Học văn là học cách làm người”. Điểm lại các đề bài nghị luận xã hội mấy năm trở lại đây mới thấy sự “xâu chuỗi” các vấn đề một cách khá thú vị. Từ đề em sẽ làm gì để có một mùa hè vui tươi và bổ ích, đến tính trung thực, đến lòng yêu thương, đến tính tự lập rồi biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. “Mưa dầm thấm lâu”, với cách ra đề như thế này, cả thầy lẫn trò đều phải xem lại cách dạy và học của mình!
 
Cũng không có đề bài nào cao xa, những người ra đề đã chọn lọc những vấn đề hết sức thiết thực, gần gũi với con người nói chung, với học sinh nói riêng. Với những đề bài này, dần dần chúng ta sẽ từng bước đào tạo cho các em trở thành những người vừa có tài, vừa có những phẩm chất tốt đẹp. Biết sống tự lập, biết yêu thương, chia sẻ, biết sống trung thực, biết cảm ơn khi nhận và biết nói lời xin lỗi khi làm sai. Đó chẳng phải là mục tiêu đào tạo của chúng ta hay sao?

HUỲNH THỊ THANH VÂN

;
.
.
.
.
.