.

Nỗi lo nhà nghèo trước năm học mới

.

Cùng với niềm hân hoan được trở lại trường lớp sau những tháng ngày hè của những cô cậu học trò là nỗi lo của những người mẹ nghèo chạy đôn chạy đáo lo có đủ sách vở cho con. Quần áo cũ, sách cũ cũng trở thành niềm mong ước...

Mẹ ơi! Quần áo cũ cũng được

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều trẻ em vùng nông thôn tranh thủ thời gian nghỉ hè xuống phố đi bán vé số dạo kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Ngồi mân mê mãi đống quần xanh, áo trắng cũ mà những người quen biết vừa mang tới cho tối hôm trước, hai chị em Trần Thị Hội (lớp 5) và Trần Anh Thư (lớp 3) Trường tiểu học Trưng Nữ Vương vui mừng như được mẹ may cho áo mới. Những bộ quần áo lành lặn, nhưng xem ra khá thùng thình so với cỡ người nhỏ bé, gầy ốm của hai em. Ở trong khu nhà liền kề dành cho các hộ nghèo thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, ba mẹ đều làm thợ hồ, hai em bảo: “Ba mẹ con không đủ tiền mua đồ mới, có đồ cũ là may lắm rồi.

Mai mốt mẹ con đi chần (sửa) lại cho tụi con mặc”. Sách học của hai em đã được bà con, anh chị mỗi người cho một ít, góp lại cũng đủ bộ. Nhìn thấy vậy, hàng chục cô cậu nhỏ đang tuổi đến trường của khu nhà này đều mong có được sách cũ như hai bé. Thậm chí, cả hai cậu con trai học lớp 3, lớp 4, con chị Nguyễn Thị Hằng ở nhà số 65 cũng chưa được mẹ chuẩn bị gì. Lăn lộn đủ nghề, từ làm nông đến thợ hồ, bốc vác không nề hà, một mình chị Hằng cũng không tài nào lo nổi cho hai đứa. Cả tuần lễ nay phải ở nhà chăm cho đứa nhỏ bị gãy tay, món tiền còm cõi dành dụm được không còn, nói chi tới chuyện sắm sửa cho con đi học. “Chạy gạo từng bữa, lấy chi để dành hả cô? Để con đỡ đỡ rồi cũng chạy đi làm, kiếm ít về mua sách vở, còn áo quần mặc lại cũng được”, chị nói.

Vì không có chồng cùng chung lưng đấu cật lo lắng cho con, nhiều phụ nữ đơn thân gồng gánh nuôi con đều có chung tâm lý “chờ tới ngày nhập học, thầy cô đưa danh sách các thứ cần mua rồi hãy lo”. Chuyển từ đường Trần Cao Vân lên khu nhà liền kề dành cho phụ nữ đơn thân thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu từ hai năm nay, hàng xóm chung quanh đều nghèo, chị Nguyễn Thị Hạnh ở nhà số B4-15 chưa biết “chạy” tiền học cho con ở đâu.

Đồng tiền lời ít ỏi mỗi ngày từ mẹt bánh ram, bánh xoài chỉ đủ cho ba mẹ con cơm nước hằng ngày. Nghĩ tới con, chị cúi đầu, suýt khóc: “Cứ tới năm học mới là lo lắm! Mua sách vở, bút thước, rồi lo đóng tiền học nữa. Cái chi cũng cần, làm mình quay như chong chóng. Bà ngoại nó không khá chi, nhưng thấy tui không có, nên ráng may cho cháu bộ đồ mới”.

Cũng như chị Hạnh, chị Từ Thị Dương ở nhà B4-06, chỉ kiếm được từ 20-40 nghìn đồng từ việc dọn dẹp nhà cửa cho người ta, chị không nhờ cậy được ai giúp chút tiền sắm sửa cho con. Chồng bỏ hai mẹ con từ khi cô bé còn nằm trong nôi, gia đình bên ngoại cũng trong diện cực nghèo, hy vọng của chị là nhờ anh em giúp đỡ cũng không thể. May mà cô bé lớp 7 Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển ngoan, học giỏi, không vòi vĩnh nhiều.

Muốn làm thêm để lo cho con mỗi ngày mỗi lớn lại không được vì sức khỏe không cho phép. “Bức quá thì tui chạy ngược chạy xuôi mượn đại, khi nào có thì trả. Không được thì ráng làm đơn xin phường xét hoàn cảnh mà hỗ trợ, được chút gì hay chút đó”, chị Dương tâm sự. Mẹ nghèo, ước mơ của những cô, cậu bé “được có sách, cặp mới, quần áo mới tới trường trong năm học mới” tưởng rằng nhỏ nhoi nhưng lại quá chừng xa xôi...

Làm thêm để kiếm tiền mua sách vở

Hai chị em Trần Thị Hội (lớp 5) và Trần Anh Thư (lớp 3) mân mê những bộ quần áo cũ.  Ảnh: HẰNG VANG

Mẹ mất sớm, bố không có công việc làm ổn định, nên hoàn cảnh gia đình em H. (học sinh lớp 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp Thanh Khê), trú phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thuộc diện khó khăn. Kết thúc năm học 2009-2010, H. xin đi phụ bưng bê ở quán nhậu để kiếm tiền giúp đỡ bố, đồng thời tích góp tiền làm thêm để chuẩn bị tiền học phí, mua sắm áo quần, sách vở chuẩn bị bước vào năm học mới 2010-2011.
 
H. kể, sau một thời gian làm thêm ở quán nhậu, em đã tiết kiệm được 1,5 triệu đồng và mua sắm cho mình hai bộ áo quần, sách vở hết hơn 500 nghìn đồng. Số tiền còn lại, em để dành để vào năm học mới đóng các khoản tiền trường. “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi vào năm học mới, em dự định một buổi đi học, một buổi sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học hành của mình”, H. cho biết thêm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lâm, trú thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) có 8 đứa con, trong số đó có 3 con đang trong độ tuổi đến trường. Cũng như nhiều học sinh khác ở trong thôn, trong dịp hè vừa qua, các con bà cũng tranh thủ làm thêm đủ thứ công việc để kiếm tiền mua sắm áo quần, sách vở, chuẩn bị cho ngày tựu trường sắp đến. Bà Lâm tâm sự: Thấy con cái vất vả, tôi đau lòng lắm, nhưng nếu chúng nó không tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học, thì gia đình khó mà lo chu tất.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều học sinh vùng nông thôn ở các xã thuộc huyện Hòa Vang đã tranh thủ thời gian nghỉ hè xuống phố để làm thêm kiếm tiền bằng đủ các công việc như bán vé số, phụ bán cà-phê, bán quán nhậu, phát tờ rơi... Mặc dù số tiền kiếm được từ các công việc làm thêm không nhiều, nhưng cũng phần nào giúp các em tự mua sắm áo quần, sách vở, lo tiền học phí chuẩn bị bước vào năm học mới. Em Hùng, trú xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), giúp việc ở quán nhậu Bé Hải trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) cho biết, gia đình em có 3 anh em, bố mẹ làm nông. Mỗi lần vào năm học mới, thấy bố mẹ chạy đôn chạy đáo mượn tiền đóng học phí, mua sắm áo quần, sách vở cho 3 anh em, Hùng thương bố mẹ lắm. Vì thế, dịp hè này, Hùng quyết định xuống phố xin đi làm thêm ở quán nhậu để kiếm tiền, đỡ đần cho cha mẹ.

Mong sự sẻ chia của cộng đồng

Với những gia đình đông con, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới thật sự là một gánh nặng đối với họ. Hai vợ chồng anh Trần Hữu Đức và chị Võ Thị Sang, trú thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có cả thảy 4 đứa con. Trong đó, cô con gái đầu đang là sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và 3 con nhỏ đang học THCS và tiểu học. Theo chị Sang nhẩm tính, chuẩn bị vào năm học mới, tất cả các khoản tiền mà vợ chồng chị phải lo cho các con cũng gần 4 triệu đồng. Đến nay, hai vợ chồng chị mới chỉ mua sắm được áo quần, sách vở cho các con. “Sắp đến phải đóng tiền trường, mua các loại bảo hiểm… không biết kiếm tiền đâu ra cho tụi nó”, chị Sang lo lắng.

Cùng hoàn cảnh như trên, hai vợ chồng anh Phạm Trường Nhân và chị Lê Thị Dự, trú thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) hiện cũng đang rất lo lắng, tìm cách xoay xở các khoản tiền lo việc học hành của các con. Suốt mấy năm nay, cháu Phạm Trường Thiên Quốc (năm nay vào lớp 5), con trai đầu của anh chị phải đi bộ đến trường để học, với quãng đường dài chừng 4km. Chị Dự bùi ngùi tâm sự: Thấy con hằng ngày đi bộ đến trường để học, vợ chồng tôi đau lòng lắm. Hai vợ chồng tôi cứ thầm hứa với nhau sẽ cố gắng tằn tiện mua cho cháu một chiếc xe đạp để đi học, nhưng lời hứa đó xem ra khó thực hiện được. Bởi lẽ, hoàn cảnh gia đình anh chị hiện nay rất khó khăn. Anh Nhân không có việc làm ổn định, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân may của chị Dự, với mức thu nhập hằng tháng hơn 1 triệu đồng. 

Ông Phạm Đình Hảo, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng cho biết, với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thông qua Hội Khuyến học cơ sở, Hội sẽ hỗ trợ học bổng để giúp đỡ các em có điều kiện đến trường. “Bên cạnh đó, các tổ chức từ thiện xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cần tiếp tục hỗ trợ, đóng góp tiền của, vật chất để Hội Khuyến học có điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố”, ông Hảo mong muốn.

HẰNG VANG - NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.