.

Sinh viên nghèo tìm việc trong hè

.

Vào mỗi dịp hè, nếu như đối với những sinh viên được sinh ra trong gia đình khá giả thì hè chính là thời gian các em được nghỉ ngơi, về thăm gia đình, người thân hoặc đi du lịch sau một năm “khổ luyện” học tập. Nhưng đối với những sinh viên nghèo, hè là thời gian phải tranh thủ kiếm việc làm thêm để có tiền cho năm học sắp tới.

Hình ảnh những sinh viên nghèo đi tìm việc làm thêm trong hè.

Gặp Bình, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khoa Tiểu học - Mầm non, năm nay là năm thứ ba em ở lại làm thêm trong hè, Bình kể với tôi: “Em đã ở lại hè này là hè thứ ba. Năm thứ nhất em đi làm cho một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em ở khu công nghiệp Hòa Khánh, hồi đó mỗi ngày em có thu nhập được 60 nghìn. Đến hè năm thứ hai, em nhận ba suất dạy kèm, mỗi suất em được 500 nghìn đồng. Năm nay, em tiếp tục đi dạy ba suất nữa trong dịp hè”.

Bình cho biết thêm, năm nay đồng tiền “mất giá” nên được 1,8 triệu đồng. Mỗi lần ở lại làm hè tiêu hết một nửa, phần còn lại em để dành cho năm học đến do vào học không đi làm thêm được. Bình tâm sự : “Em rất muốn được về thăm gia đình, ông bà, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đành ở lại trước là để tự túc cho bản thân, sau để đỡ đần cho gia đình”. Vốn sinh ra trong một gia đình cả bố mẹ đều làm nông nghiệp ở vùng đất “Gió lào thổi rạc bờ tre” (huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh). Bố của Bình chủ yếu làm ruộng, thời gian nào rảnh rỗi thì đi phụ hồ kiếm thêm tiền nuôi ba chị em ăn học. 

Còn mẹ Bình đã mất cách đây ba năm sau một tai nạn giao thông. Từ đó hoàn cảnh gia đình vốn nghèo khổ nay càng khó khăn hơn, dường như mọi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đều  tập trung vào vai người bố tần tảo. Tuy vừa học, vừa làm nhưng kết quả học tập của Bình trong bốn năm học vừa qua luôn đạt loại giỏi. Năm nay cầm trong tay tấm bằng loại giỏi, em hy vọng sẽ xin được vào dạy học một trường tiểu học ở Đà Nẵng.

Nếu như Bình, một nữ sinh viên suốt ba hè ở lại, kiếm việc làm thêm thì Dương - sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đã hai hè nay không về với gia đình. Là sinh viên khoa Xây dựng dân dụng, có sức khỏe tốt. Dương tìm đến với công việc phụ hồ. Dương thổ lộ: “Em có sức khỏe nên đi phụ hồ có thu nhập cao hơn đi dạy kèm và không mất tiền môi giới gia sư, tiền ăn sáng như đi dạy kèm vì mỗi ngày đi làm, khoảng 9 giờ, ông chủ đưa đi ăn giữa buổi”.

Ngày nào Dương cũng đi làm cả sáng và tối, ban ngày đi phụ hồ ông chủ trả cho 90 nghìn đồng; ban đêm đi bán cà-phê mỗi tháng được 600 nghìn đồng nữa nên thu nhập tạm ổn. Số tiền đi làm, Dương tiêu tiết kiệm, để dành một ít vào năm học đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Tôi hỏi Dương đi làm cả ngày lẫn đêm như vậy có mệt không? Em bảo: “Thời gian đầu em đi làm mệt lả cả người, đêm ngủ không tài nào trở được. Tuy nhiên, thời gian sau quen dần và thấy không mệt nữa”. Nói về kết quả học tập trong hai năm học vừa qua, Dương cho biết cả hai năm em đều đạt loại khá, “tốp trên” của lớp. Dương còn là một cán bộ lớp, mọi công việc lớp, của khoa em luôn là thành viên đi đầu.

Tìm đến Đạt, căn nhà trọ trong hẻm sâu sau Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, với căn phòng ngăn nắp và chiếc xe đạp mới tinh mà em vừa đi làm thêm mua được. Trong ánh mắt hơi buồn, Đạt kể về công việc làm thêm của em trong những hè vừa qua: “Cả bốn hè liên tục em đều tìm đến công việc phát tờ rơi cho các trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ và một số công ty quảng cáo điện thoại, máy tính. Mỗi ngày có thu nhập từ 50-60 nghìn đồng, nhưng công việc phát tờ rơi bấp bênh, khi cần các trung tâm gọi đến làm không hết việc nhưng nhiều lúc ở nhà cả tuần không có việc làm. Vì thế, mỗi tối em vào làm phục vụ cho một quán nhậu đêm ở chợ Hòa Khánh.

Đạt cho biết: “Làm ở đây đi lại nhiều mỏi chân và thức khuya nữa, tối nào ba giờ sáng tan nhậu mới được về. Mấy ngày có World Cup em làm thâu đêm, mất ngủ mắt đỏ hoe”. Cứ mỗi tối phục vụ quán nhậu, ngày nào khách nhiều bà chủ trả 70-80 nghìn đồng, còn ngày nào khách ít chỉ được 20-30 nghìn. Năm nay Đạt ra trường, em đang vừa làm vừa nghe ngóng tin tức để nộp hồ sơ xin việc. Là một sinh viên Sư phạm, bố mất sau một tai nạn lao động khi Đạt vừa 23 tháng tuổi. Đạt tính: “Nhà chỉ duy nhất mình em nên sẽ nộp hồ sơ ở quê để gần nhà chăm mẹ khi già yếu”. Vẫn biết trước con đường xin việc còn nhiều khó khăn nhưng em hy vọng may mắn và sự năng động của một cán bộ Đoàn, em sẽ xin được việc ở quê nhà.  

 Trông thấy chiếc áo bạc màu, mồ hôi nhễ nhại sau khi đạp xe hàng chục cây số về, tôi cảm nhận được sự vất vả, mệt nhọc của Đạt, cũng như thân phận những sinh viên nghèo như Dương, như Bình và bao em khác có hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Chia tay Bình, Dương, Đạt giữa trưa hè tháng 7 nóng nực ở quận Liên Chiểu, lòng chúng tôi không khỏi nghẹn ngào và thầm mong cho các em một ngày không xa, bằng nghị lực vượt khó, những sinh viên nghèo như Bình, Dương, Đạt sẽ có cuộc sống đỡ đần hơn. Các em sẽ có được những mùa hè đúng nghĩa của đời sinh viên.

Bài và ảnh: Bá Thích

;
.
.
.
.
.