.

Đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục

.

Năm học 2010-2011, toàn thành phố có gần 200 nghìn học sinh theo học ở các cấp học. Trong không khí hân hoan đón chào năm học mới, phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh (ảnh), Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới. Ông Chinh cho biết:

Mô tả ảnh.

Chủ đề năm học 2010-2011 được Bộ Giáo dục-Đào tạo xác định là: “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Để thực hiện thắng lợi chủ đề năm học, ngành đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung đổi mới công tác quản lý, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng rà soát, phân loại trình độ học sinh, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, khắc phục triệt để tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức và rèn luyện khả năng tự học của học sinh; phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học, ngành học.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả trong toàn ngành để chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc-chép”, nhất là ở cấp THCS và THPT. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một sáng kiến trong phương pháp dạy học và quản lý. Có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, bồi dưỡng tình cảm, tạo sự hứng thú, tinh thần chủ động, tích cực trong học tập của học sinh; coi trọng thực hành, thí nghiệm, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

* P.V: Những năm qua, chất lượng dạy và học giữa các trường ở khu vực thành thị và vùng ven còn chênh lệch quá lớn. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng phụ huynh chạy trường, chạy lớp cho con em mình. Ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ làm gì để hạn chế tình trạng này?

- Ông Lê Trung Chinh: Vấn đề chạy trường, chạy lớp của phụ huynh là có, nhưng không phải là vấn đề bức xúc. Sở dĩ có điều đó là do một số phụ huynh muốn con em mình được học ở những trường có chất lượng tốt hơn, thuận tiện cho việc đưa đón... Thời gian qua, UBND thành  phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với UBND quận Hải Châu đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chạy trường bằng cách chạy hộ khẩu.

Mô tả ảnh.

Học sinh Trường THPT Trần Phú tan trường. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Theo tôi, để hạn chế tình trạng trên, thời gian đến cần một số giải pháp sau: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về tuyển sinh các lớp đầu cấp; nâng cao chất lượng giáo dục ở những trường có điều kiện khó khăn hơn, chất lượng giáo dục chưa cao; độ chênh lệch chất lượng giáo dục ở các trường, địa phương không nhiều; luân chuyển giáo viên giữa các trường. Ngoài ra, ngành cũng đề nghị ngành Công an quản lý tốt việc nhập hộ khẩu.

* P.V: Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn học sinh bỏ học, nhưng thời gian qua, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra. Ngành có những giải pháp gì để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian đến? 

- Ông Lê Trung Chinh: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã được thực hiện có hiệu quả, do đó tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn, tỷ lệ bỏ học toàn thành phố là 0,13%. Thời gian đến, Sở Giáo dục-Đào tạo tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai có hiệu quả Chỉ thị 24. Theo đó, tập trung vận động tối đa học sinh ra lớp, không để học sinh do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu sách vở, quần áo mà không đến trường.

Học sinh không có điều kiện học ở trường phổ thông thì tạo điều kiện, vận động các em học tại các TTGDTX-HN, học nghề... Bên cạnh đó, các trường cần tích cực bồi dưỡng cho những học sinh có học lực yếu, kém; kiên quyết hạn chế tình trạng ngồi nhầm lớp; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục; xây dựng nền nếp, kỷ cương học đường; quản lý, giúp đỡ học sinh; khắc phục tình trạng học sinh bỏ tiết; tham gia các tệ nạn xã hội, chơi game… dẫn đến học yếu, bỏ học. Phối hợp tốt giữa 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội.

* P.V: Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Đà Nẵng có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tương đối cao, đạt 96,68%. Song, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vừa qua, Đà Nẵng chỉ có 3 trường lọt vào top 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao (nhưng xếp ở thứ hạng rất thấp so với các tỉnh, thành khác), ông có nhận xét gì về thực trạng này? 

- Ông Lê Trung Chinh: Năm 2009, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ đại học của thành phố Đà Nẵng cùng xếp thứ 13/63 tỉnh, thành. Đến năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT xếp thứ 19/63 tỉnh, thành (giảm 6 bậc) và đỗ đại học xếp thứ 12/63 tỉnh, thành (tăng 1 bậc). Mặc dù công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH của thành phố Đà Nẵng những năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể, song, đánh giá một cách nghiêm túc thì công tác tuyển sinh ĐH còn những hạn chế như: Chưa có những bước đột phá về chất lượng, chưa tương xứng với tiềm năng và những thành tựu của giáo dục phổ thông đã đạt được, chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của một thành phố động lực của khu vực miền Trung-Tây nguyên. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào ĐH không cao hơn nhiều so với số tổng kết chung cả nước. Số học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH đào tạo chất lượng cao trong và ngoài nước chưa nhiều.

Sự chênh lệch của các môn thi liên quan giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH là khá lớn. Điểm trung bình tổng 3 môn thi ĐH chưa cao; số lượng học sinh đạt thủ khoa các trường ĐH lớn còn ít; số học sinh đạt trên 27 điểm không hơn các tỉnh, thành phố cùng điều kiện; ngoài những học sinh được tuyển thẳng, số học sinh đạt 30/30 điểm (chưa tính hệ số) chưa cao. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH của các trường THPT trên địa bàn thành phố còn chênh lệch nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những mặt hạn chế nêu trên: Chất lượng tuyển sinh đầu vào bậc THPT không đồng đều giữa các trường THPT, các TTGDTX-HN; ý thức học tập của học sinh chưa cao; việc học của học sinh còn nặng về học thuộc lòng, chưa mang tính tổng hợp, sáng tạo, kỹ năng làm bài thi còn hạn chế; sự quan tâm của gia đình chưa đúng mức; công tác hướng nghiệp tuy có cải tiến song thực hiện chưa hiệu quả…

* P.V: Xin cảm ơn ông.

NGỌC ĐOAN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.