Trong tiếng Việt có hàng loạt câu mà hàm ý trái ngược với lời lẽ bên ngoài. Tuy không người Việt nào hiểu sai ý của chúng, nhưng nếu cần vẫn có thể chứng minh nghĩa đích thực của những câu này bằng phép quy nạp.
Minh hoạ: Hồng Nguyên |
Bạn hãy cùng tôi đọc mấy câu sau: 1) Tôi mà nói dối thì tôi làm con cho anh. 2) Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần đi đã. 3) Cô ấy mà thương anh thì trời sa xuống đất. 4) Ông ấy mà liêm khiết thì nước này chả có ai tham nhũng. 5) Tin lời ông ta thì đổ thóc giống ra mà ăn. 6) “Lấy anh em biết ăn gì, Lộc sắn thì chát, lộc si thì già”.
Đọc sáu câu trên đây, bạn không cần là một nhà ngôn ngữ học, không cần biết ngữ pháp tiếng Việt, thậm chí bạn không biết chữ nhưng nghe người ta nói là hiểu ngay hàm ý của chúng: Câu 1 là lời thề với ý là tôi không nói dối. Câu 2, câu 5 là lời khuyên với ý tứ là xin bệ hạ đừng hàng, đừng tin lời ông ta. Câu 3, câu 4 là những nhận định với ý tứ là cô ấy không thương anh đâu, ông ấy không hề liêm khiết. Câu 6 là lời cô gái từ chối em không thể lấy anh.
Do đâu mà hiểu được hàm ý, hay nói đơn giản là ý tứ của những câu trên? Có thể trả lời: “Tiếng Việt là như vậy, có gì phải thắc mắc”. Hoặc “Tôi là người Việt, nghe vậy là tôi biết liền!” Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng minh rất chặt chẽ vì sao chúng lại có những ý tứ đó. Và phép chứng minh này dựa trên cơ sở lôgích, bạn chỉ cần nắm chắc kiến thức đại số lớp 10 là có thể hiểu được phép chứng minh này!
Điều thú vị là con đường hình thành hàm ý của những câu trên đây lại hoàn toàn giống con đường hình thành hàm ý của những câu mà có bạn cho là “tiếng lóng” như sau đây: Hỏi: Giáo viên mới dạy thế nào? Trả lời: 7) Hiểu chết liền. Hỏi: Nhỏ đó có xinh không? Trả lời: 8) Xinh chết liền. Hỏi: Có biết bồ của nó không? Trả lời: 9) Biết chết liền.
Quy nạp
Thực hiện phép quy nạp như đã trình bày trong sách Đại số lớp 10, chín câu trên đây có hai điểm giống nhau:
Điểm giống nhau thứ nhất: chúng đều là câu rút gọn của câu ghép “Nếu… thì…”, như câu 1: Nếu tôi mà nói dối thì tôi làm con cho anh...; Câu 3: Nếu cô ấy mà thương anh thì trời sa xuống đất; câu 4: Nếu ông ấy mà liêm khiết thì nước này chả có ai tham nhũng...; câu 7: Nếu hiểu thì chết liền. Câu 8: Nếu xinh thì chết liền. Câu 9: Nếu biết thì chết liền.
Điểm giống nhau thứ hai: hàm ý của chúng đều là sự phủ định vế thứ nhất của câu ghép. Phủ định vế thứ nhất “tôi mà nói dối” của câu 1 sẽ thành hàm ý: tôi không nói dối. Phủ định vế thứ nhất “cô ấy mà thương anh” của câu 3 sẽ thành hàm ý: cô ấy không thương anh. Phủ định vế thứ nhất “ông ấy mà liêm khiết” của câu 4 sẽ thành hàm ý “ông ấy không liêm khiết”. Tương tự, phủ định vế thứ nhất của các câu 7, 8, 9 sẽ lần lượt được những hàm ý của chúng: không hiểu; không xinh; không biết.
Khái quát
Cả chín câu trên đây có dạng: Nếu A thì B. Theo sách Đại số lớp 10, về lôgích đó là phép toán kéo theo: A Þ B, ở đó A là điều kiện đủ của B (tức là: có A là có B), còn B là điều kiện cần của A (tức là: không có B là không có A).
Hàm ý của cả chín câu trên đây đều là sự phủ định A. Tức là ~A. Về phương diện toán học, không có phép suy luận nào cho phép từ mệnh đề A Þ B lại suy ra được hàm ý ~A. Ấy thế nhưng tại sao trong thực tế, cả chín câu trên đây lại có hàm ý ~A?
Suy nghĩ kỹ thì thấy chín câu trên còn có một điểm chung nữa là: trong thực tế B là điều không xảy ra hoặc không ai muốn xảy ra. Tức là: không có B, không muốn B. Vậy là đã rõ: các câu trên đây có dạng A Þ B, mà lại không có B là điều kiện cần của A, nên suy ra không có A. Thế là chúng ta đã chứng minh được hàm ý của chín câu trên đây đều là không có A.
Ứng dụng
Các bạn chỉ cần nói một câu dạng “Nếu A thì B”, ở đó B là điều không xảy ra hoặc không ai mong muốn xảy ra, là chúng ta có một câu với hàm ý “không A”, “không muốn A”. Vài ví dụ khác mà các bạn dễ dàng xác định được hàm ý: Mày mà thi trượt đại học thì đừng nhìn mặt tao; Làm vậy là sẽ ngồi bóc lịch mười năm đấy; Con mà lấy nó thì suốt đời không ngóc đầu lên được; Ông ta mà làm giám đốc thì công ty này sẽ vác bị đi ăn mày; Báo này còn không đọc thì đọc báo nào nữa?...
Kết luận
“Biết chết liền!” không phải là tiếng lóng. Hàm ý của câu này cũng như của hàng loạt câu tiếng Việt có cấu trúc nhân quả, mà “nếu … thì” là một dạng, được hình thành theo một quy luật lôgích chặt chẽ. Tiếng Việt chính xác và sâu sắc là vậy. Đến đây hẳn không bạn nào hoài nghi sức mạnh của toán học có khả năng giải thích sâu sắc nhiều hiện tượng tiếng Việt.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Dân (SGTT)