.

Ngôi trường mang tên Huỳnh Ngọc Huệ

.

Năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, một ngôi trường tiểu học mang tên Huỳnh Ngọc Huệ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Quá trình trưởng thành, phấn đấu để có ngôi Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ khang trang, bốn mùa xanh tươi hoa lá, thành tích dạy và học nổi bật hôm nay như một câu chuyện cổ tích. 

Mô tả ảnh.

Ngôi trường khang trang, xinh xắn, xanh tươi hoa lá, đạt chuẩn quốc gia mức 2 đầu tiên của quận Thanh Khê.

Ít ai biết được, cách đây hơn 10 năm, nơi Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ tọa lạc bây giờ là một bàu nước mênh mông, đầy lau lách. Năm học đầu tiên chia tách, trường tiếp nhận thêm 6 phòng học cấp 4 ở hai cơ sở Phần Lăng và Xuân Hà A (thuộc phường An Khê trước đây). Còn cơ sở chính - hai trường vẫn sinh hoạt chung là một dãy phòng cấp 4, mái ngói rêu phong, phòng học loang lỗ rêu xanh, ẩm thấp, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột nát, trang thiết bị dạy học nghèo nàn, đội ngũ giáo viên không bảo đảm cả số lượng lẫn chất lượng.

Năm 1999, hồ nước được lấp để xây dựng mới 14 phòng học. Đó là niềm vui của thầy trò và phụ huynh nhà trường, nhưng vẫn thiếu bàn ghế, hàng rào, cổng ngõ, sân trường thì đầy cát bụi. Năm 2001, trường được đầu tư xây dựng thêm dãy nhà thiết bị, chức năng và 13 phòng học nữa cùng sẻ chia, gánh vác trách nhiệm trồng người. Được sự quan tâm của Sở và Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) quận Thanh Khê, các trang thiết bị được dần hoàn thiện, bảo đảm tương đối cho việc dạy và học, chất lượng dạy và học được nâng lên. Năm học 2002-2003, trường đã đạt được 5 tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và đã được Bộ GD-ĐT công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (mức 1). Năm 2003, trường được đầu tư xây dựng thêm dãy lớp học 3 tầng với 18 phòng và dãy nhà giáo dục đa năng.

Tháng 5-1945, Huỳnh Ngọc Huệ (1914-1949) sau khi vượt ngục Đak Tô về lại Quảng Nam liên lạc với cơ sở Đảng, ông được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó được cử giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền...

Vào cuối năm học 2003-2004, cả 3 cơ sở nhập chung về một điểm với tổng diện tích 6.423,9m2, 30 lớp học và 1.100 học sinh, 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Trường từng bước khởi sắc, trưởng thành. Nhiều phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai đã đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trình độ đội ngũ giáo viên trên chuẩn đạt tỷ lệ 97,4% và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tăng cao.

Nhiều thầy, cô giáo trong nhà trường đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp quận. Chất lượng học sinh toàn trường luôn ổn định, số lượng học sinh giỏi Toán, Tiếng Việt, Tin học, Thể thao… đoạt giải cấp thành phố được nâng cao qua từng năm học. Nhiều hội thi như: kể chuyện, vẽ tranh, văn nghệ, an toàn giao thông, tiếng hát tuổi thơ, chỉ huy Đội giỏi, nghi thức Đội… đoạt giải cao cấp quận và thành phố… Đặc biệt, năm học 2009-2010 được xem là năm thành tích của nhà trường khi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua và bằng khen xuất sắc của Bộ GD-ĐT trao tặng, và được công nhận là Trường đạt chuẩn quốc gia mức 2 đầu tiên của quận Thanh Khê.

Cô giáo Vương Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là một trong những điểm nổi bật của nhà trường. Toàn bộ 30 phòng học đều được trang bị máy vi tính, màn hình lớn; có phòng máy vi tính, phòng học đàn để dạy cho học sinh… Tất cả thầy, cô giáo đều làm việc, tiếp nhận thông tin, thông báo, báo cáo qua mạng nhằm giảm thiểu hội họp, dành nhiều thời gian cho việc soạn giáo án điện tử, nâng cao chất lượng chuyên môn. Học sinh của trường năm học vừa qua cũng đại diện cho quận thi giải toán qua mạng, với 35 em đoạt giải cấp thành phố và đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc toàn quốc…

Bên cạnh tập trung cho công tác dạy và học, nhà trường cũng rất quan tâm đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là các hoạt động về thăm nhà, quê quán đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Nhà trường luôn đề cao khẩu hiệu: “Chất lượng giáo dục là danh dự, uy tín của nhà trường” và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp giáo dục của thành phố, là địa chỉ đáng tin cậy của các bậc phụ huynh, phấn đấu xứng đáng với tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.