.

Suy ngẫm về chuyện cô học trò người Đà Nẵng

Trong tuần qua, nhiều tờ báo trong nước đăng tải một câu chuyện rất đáng được quan tâm và có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm: Cô học trò Nguyễn Thị Mỹ Ý, cựu học sinh Trường tiểu học Phù Đổng, Đà Nẵng; sau khi sang Mỹ học từ năm 2004, đã được hai đời Tổng thống Mỹ tặng bằng khen về thành tích học tập xuất sắc - đây là thành công mà chưa một học sinh nào ở Hoa Kỳ đạt được!

Nguyễn Thị Mỹ Ý sinh năm 1996 tại Đà Nẵng. Năm học lớp 1, em là học sinh xuất sắc và đến năm lớp 2 là học sinh giỏi của Trường tiểu học Phù Đổng - một trong những trường có chất lượng cao nhất thành phố. Năm 2004, vì có người thân ở Mỹ nên Mỹ Ý được gửi sang học ở California. Mỹ Ý phải học lại lớp 2 sau 3 tháng học tiếng Anh. Điều rất đáng được ghi nhận là Mỹ Ý đã nắm được cơ bản môn tiếng Anh chỉ trong một thời gian rất ngắn. Năm học 2006-2007, Mỹ Ý được TT G. Bush tặng bằng khen về thành tích vượt trội: Hai môn toán và khoa học em đạt 2.400 điểm (vượt 300 điểm); môn lịch sử đạt điểm tối đa và môn đọc vượt 165 điểm (2.665/2.500 điểm). Năm học 2009-2010, Mỹ Ý học lớp 8 và một lần nữa, Mỹ Ý lại được TT B. Obama tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong năm chuyển cấp quan trọng này.

Câu chuyện về Mỹ Ý chỉ có nội dung tóm tắt “đơn giản” như thế nhưng lại mang đến những dấu ấn rất đậm và khá nhiều câu hỏi cho những người làm công tác giáo dục cũng như tất cả những ai quan tâm.
Thứ nhất, những phàn nàn về chương trình học tập của học sinh quá nặng đã được dư luận bàn luận suốt... 10 năm qua (!) nhưng chẳng thấy Bộ GD-ĐT sửa đổi. Tại sao một nước có trình độ khoa học kỹ thuật rất cao như Mỹ chỉ buộc học sinh tiểu học học có 5 môn: Toán, khoa học tự nhiên, lịch sử, văn phạm, đọc; thế nhưng học sinh của ta lại phải học nhiều và nặng như thế? Kết quả đã được nước người minh chứng bằng những thành tựu không thể tốt hơn; vậy, tại sao chúng ta vẫn cứ thích ôm đồm đi theo con đường “riêng” chẳng giống ai?

Thứ hai, sau 12 năm học tiếng Anh, đại đa số học sinh hiện nay chỉ biết tiếng Anh ở mức... sơ sơ! Đành rằng Mỹ Ý trí thông minh khá đặc biệt và có môi trường thuận lợi là xung quanh em mọi người đều nói tiếng Anh; nhưng rõ ràng phương pháp dạy và cách học là điều đáng phải trăn trở. Một học sinh lớp 2 vừa sang Mỹ đã làm chủ được một ngôn ngữ mới sau 3 tháng buộc chúng ta phải đặt vấn đề rằng cách dạy và học đó rất đáng được nghiên cứu và tìm hiểu đầy đủ để giúp cho học sinh Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung có một phương pháp học tập hiệu quả hơn.

Thứ ba, khi được hỏi về kinh nghiệm học thế nào để trở thành học sinh giỏi, Mỹ Ý cho biết 3 bí quyết. Bí quyết đầu tiên thật ra là chuyện mà hầu như ai cũng rõ, đó là đọc nhiều. Người xưa dạy học mà không đọc là tệ hại và đọc mà không suy nghĩ là vô ích. Học sinh nước ta hiện nay đọc rất ít và hầu như chương trình giáo dục tiểu học coi việc đọc sách của học trò chỉ là yếu tố rất phụ - chỉ đọc cho có, đọc một cách gọi là. Bí quyết thứ hai của Mỹ Ý là luôn hỏi thầy giáo, cô giáo những điều chưa biết và thường xuyên trao đổi với bạn bè những điều vừa học.

Phương pháp này thực ra cũng không hề mới. Chỉ có điều là đa số các thầy cô giáo ở tiểu học chỉ dạy theo cách áp đặt, sao cho hết chương trình mà ít quan tâm đến những thắc mắc của học sinh. Nguyên do là vì chương trình quá nặng - không thể có quỹ thời gian để hỏi - trả lời và, thói quen giảng dạy một chiều đã trở thành căn “bệnh” khá phổ biến. Bí quyết thứ ba là Mỹ Ý luôn chủ động đọc, xem bài mới trước khi đến lớp; nhờ vậy, em có thể chủ động học, hiểu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Rõ ràng, bí quyết này cũng là điều đã biết! Cái mà những người làm công tác giáo dục phải trăn trở thực sự là học sinh nước ta không thể có thời gian để xem bài mới vì ngay cả việc làm bài tập cũ cũng đã không đủ rồi (!)

Câu chuyện của Nguyễn Thị Mỹ Ý đã chứng minh rất rõ rằng tư chất của học sinh Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung hoàn toàn đủ khả năng để theo kịp cách dạy - học theo chương trình tiên tiến nhất của một môi trường học tập có chất lượng cao nhất (từ năm 1945 đến nay, các nhà khoa học Mỹ luôn giành được 2/3 tổng số giải thưởng Nobel và Mỹ là nước đóng góp đến gần 80% những phát minh, thành tựu quan trọng nhất). Do đó, nếu chất lượng học tập của học sinh Việt Nam hiện nay chưa tốt thì chúng ta chỉ có thể tự trách mình. Bột đã có nhưng để gột nên hồ, để làm ra bánh thơm ngon, chất lượng thì cần phải có cả thầy cô giỏi, cần phải có một quy trình giáo dục đúng đắn, khoa học.

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.