.

Chuyện về những sinh viên vùng lũ, lụt

.
Hơn một tháng qua, lũ lụt kinh hoàng hết trút xuống những vùng quê nghèo Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… lại đến các địa phương như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên chìm trong biển nước. Cuộc sống của những con người ở vùng bị thiên tai tàn phá khó khăn, khốn cùng. Còn ở những nơi không bị thiên tai tàn phá, có con em đồng bào vùng bị lũ lụt đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… cũng đang phải đối mặt với những ngày dài ăn không đủ bữa, học phí đến kỳ phải đóng nhưng chưa biết phải xoay xở từ đâu.

Mô tả ảnh.
Sinh viên nghèo tìm việc làm thêm. (Ảnh tư liệu)
Ngồi cùng một nhóm sinh viên quê Quảng Bình, Hà Tĩnh tại một quán xôi trên đường Phan Thanh (cạnh Trường Đại học Duy Tân-Đà Nẵng), chúng tôi nghe các em than thở: Sắp thi mà chưa có tiền đóng học phí. Trần Văn Tuấn, quê ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Duy Tân cho biết: Mọi năm ở quê không bị bão, lũ, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng dễ dãi trong việc cho sinh viên vay tiền đi học, cho nên không chỉ bản thân em mà nhiều bạn khác học tập cũng yên tâm hơn. Năm nay lũ lớn hành hạ, kéo dài nhiều ngày, ở quê em chẳng còn chi nữa. Nhà cửa bị sập, thóc, lúa bị ngâm nước phần thì hư hỏng, phần nẩy mầm; heo, gà bị chết, gia đình chúng em lâm vào cảnh túng quẫn. Bây giờ tụi em sắp đến kỳ thi tín chỉ, quy định của nhà trường là trước khi thi sinh viên phải hoàn tất học phí. Vì vậy bọn em như đang ngồi trên lửa, lòng dạ rối bời.

Nhiều sinh viên khác đang theo học tại các trường  ở Đà Nẵng, khi nghe tin quê nhà bị thiên tai tàn phá, các em đều nóng lòng, vay mượn tạm chút ít tiền lộ phí từ bạn bè để trở về quê. Nhiều em tâm sự, nóng ruột quá thì về vậy thôi, chứ có vào nhà mình được đâu. Nước dâng cao quá, nhà cửa ngập hết, quê hương chỉ còn là biển nước mênh mông. Nguyễn Văn Phương, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), đây là vùng đất tâm điểm của hai trận lũ nên gần như gia đình nào cũng bị mất trắng thóc lúa, hoa màu… Phương kể: Gia đình em có 5 sào hoa màu, 2 sào lúa, nhưng sau hai trận lũ thì đã thực sự trắng tay. Lũ nhanh quá, còn bao thóc giống cũng không giữ kịp.
 
Biết được rằng, sau khi hết lũ, những ngày gian khó nhất mới bắt đầu, Phương đã tranh thủ chạy về quê giúp cha mẹ, còn người chị gái đang học Trường Đại học Đông Á phải ở lại Đà Nẵng vì phần thì phải đi học, phần không thể nghỉ việc làm thêm. Trong quá trình gặp gỡ để tìm hiểu gia cảnh của những sinh viên là con em của đồng bào vùng bị bão, lũ, chúng tôi đã gặp rất nhiều sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trên địa bàn Đà Nẵng, dù là sinh viên năm thứ nhất nhưng các em đã phải theo các anh, các chị đồng hương khác để đi tìm kiếm việc làm thêm. Lê Thanh Nam, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: Là sinh viên năm nhất nên chúng em phải nhờ các anh chị đi trước giới thiệu để xin việc làm thêm, do chưa có kinh nghiệm nên những công việc dễ xin, dễ làm thường là dắt xe ở quán cà-phê, phát tờ rơi quảng cáo, phục vụ quán ăn… thu nhập hằng tháng không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải thêm cho những ngày xa nhà trọ học…

Trao đổi với các cán bộ Đoàn Thanh niên ở các trường học có nhiều sinh viên ở miền bão, lũ về vấn đề tiếp sức để giải quyết cho các em vượt qua giai đoạn khó khăn này, các anh đều có chung câu trả lời là, sau khi bão, lũ hoành hành ở các tỉnh Bắc Trung bộ và sau này là các tỉnh Nam Trung bộ, lãnh đạo nhà trường cũng như Đoàn thanh niên đã tổ chức ngay việc vận động quyên góp để ủng hộ đồng bào vùng lũ. Nhiều Hội đồng hương sinh viên, đặc biệt là sinh viên vùng lũ cũng đã phát động phong trào ủng hộ quê hương…
 
Trong không khí khẩn trương ấy, thực lòng là nhiều người chưa nghĩ tới sự khó khăn của những sinh viên là con em của đồng bào ở những miền bão, lũ…, nhưng chắc chắn, với vai trò của mình, những cán bộ Đoàn, Hội sinh viên sẽ có những tham mưu cụ thể với lãnh đạo nhà trường, trước mắt là tháo gỡ những khó khăn, nhằm tiếp sức, động viên các em vững bước đến trường. Quyết tâm không để xảy ra tình trạng các sinh viên miền bão, lũ phải gián đoạn việc học tập vì không thể vượt qua khó khăn do hoàn cảnh.              
                                                
BẢO THY     
;
.
.
.
.
.