.
Trường phổ thông nội trú Tam Kỳ:

Nơi nuôi dạy con em liệt sĩ mồ côi

Ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thì tháng 7 năm đó, hàng vạn con em cán bộ miền Nam được Đảng, Nhà nước gửi ra miền Bắc học tập đã được đưa về quê hương tiếp tục học tập; trong đó, có hàng trăm con em quê Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) và phần lớn trong số đó cả cha, mẹ đều là liệt sĩ và đang học dở cấp 1, cấp 2, cấp 3.

Sau ngày quê hương giải phóng với bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng có một việc mà các đồng chí lãnh đạo QN-ĐN lúc bấy giờ không thể quên, đó là còn phải lo cho con em của đồng chí, đồng đội của mình gửi gắm lại. Trong hoàn cảnh ấy, Trường phổ thông Nội trú Tam Kỳ ra đời, đặt tại số 15 Nguyễn Du, phường Tân Thạnh, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Tam Kỳ).

Học sinh của trường, ngoài các em từ miền Bắc về, còn có một số em từ Trường Khánh mẫu Thăng Phước (nay là huyện Hiệp Đức) mà từ năm 1974, lãnh đạo nhận định miền Nam sắp được giải phóng nên không đưa các em ra miền Bắc; để lại học tập trên vùng giải phóng cùng với những em từ các địa phương có hoàn cảnh quá khó khăn, không nơi nương tựa cũng đưa về đây học tập. Do đó, số lượng học sinh của trường có lúc gần 500 em. Đây là Trường phổ thông Nội trú, vừa giáo dục, vừa nuôi dưỡng các em. Điều hành công tác chuyên môn do Ty Giáo dục QN-ĐN; thực hiện chế độ do Ty Thương binh-Xã hội tỉnh QN-ĐN theo tiêu chuẩn cán bộ viên chức mức thấp nhất; hằng tháng, mỗi em được nhận tiêu chuẩn 9 đồng, trong đó mua 13,5kg gạo 4,5 đồng, tiền ăn 4 đồng còn 0,5 đồng chi phí sinh hoạt.

Trong bối cảnh quê hương mới giải phóng, cả tỉnh, cả nước còn khó khăn, việc chăm lo của các cô, chú, các thầy cô giáo cho con em các gia đình liệt sĩ như vậy đã là một cố gắng rất lớn. Nếu không có Trường phổ thông Nội trú Tam Kỳ thì không hình dung được rằng, các em đi về đâu. Được giáo dục tốt và bản thân các em cũng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực hiện ước nguyện của cha anh, nên phần lớn các em học hành chăm ngoan, tiến bộ; có em làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn Trường cấp 3 Trần Cao Vân và dẫn đầu các phong trào hoạt động văn hóa, TDTT, hoạt động xã hội khối các trường phổ thông Tam Kỳ.

Trong thời kỳ những năm 1980, do những tác động khách quan và chủ quan, điều kiện sống, học tập của các em ngày càng khó khăn hơn nên trường phải chấm dứt hoạt động. Sau khi trường giải tán, nhiều em không có điều kiện theo học các lớp cao hơn hoặc bỏ học để mưu sinh; một số em xung phong đi bộ đội để nối tiếp trang sử vẻ vang của gia đình và trong số đó có em đã hy sinh nơi chiến trường. Tuy nhiên, trước tình hình có nhiều em bỏ học giữa chừng, ngành TB-XH đã chọn một số em có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng học tập gửi đi đào tạo tại trường thiếu niên Gò Vấp hoặc đi học bổ túc văn hóa.

Trường phổ thông Nội trú Tam Kỳ tuy chỉ tồn tại 7 năm, nhưng đã để lại dấu ấn không thể nào quên đối với thầy cô giáo và các em học sinh được học dưới mái trường này. Giờ đây đã có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp xã, phường, quận, huyện, tỉnh và các ngành, các cấp là cựu học sinh của trường năm xưa. Ngày nay, khi nhắc đến Trường phổ thông Nội trú Tam Kỳ, các thầy cô giáo, các cựu học sinh của trường, mỗi người đều lắng đọng tình cảm thân thương của một thời gian khó nhưng đầy ắp tình người. Sự trưởng thành của các thế hệ học sinh Trường phổ thông Nội trú Tam Kỳ hôm nay như một điều hiển nhiên, bởi trong đó, các em đã phấn đấu thực hiện đúng ước nguyện của cha mẹ dành cho các em trước khi đóng góp một phần xương máu cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.                

A.Q

;
.
.
.
.
.