Tại Nhà Văn hóa khu vực Tuyên Sơn 1, phường Hòa Cường Nam, hằng tuần có một cụ già tóc bạc trắng miệt mài dạy tiếng Anh miễn phí cho những học sinh con hộ nghèo không có điều kiện đi học thêm.
Đó là cụ Trần Ngọc Điệp, một vị lão thành cách mạng, năm nay 86 tuổi, đã từng làm Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp Tây Nguyên. Sau khi về hưu (năm 1989), cụ thấy trong khu phố có một số trẻ em mồ côi, nghèo khó, học lực yếu, có nguy cơ bỏ học.
Từ đó, cụ đã vận động thành lập chi hội khuyến học của khu phố và tiến hành nhiều họat động giúp đỡ học sinh nghèo, khích lệ các em học giỏi, thiết thực góp phần ngăn ngừa hiện tượng bỏ học giữa chừng. Mỗi năm, cụ quyên góp được hàng chục triệu đồng để giúp học sinh nghèo với các mức khác nhau, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Học sinh mồ côi cha mẹ được hỗ trợ 600 nghìn đồng/năm, các cháu không có phương tiện đến trường được hỗ trợ xe đạp, các trường hợp khác được tặng sách vở và đồ dùng học tập. Cuối mỗi năm học, chi hội phối hợp với các tổ dân phố tiến hành quyên góp, phát thưởng cho tất cả học sinh học giỏi...
Đặc biệt, cụ Điệp đã tổ chức lớp dạy phụ đạo tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo ở trong khu phố, do cụ trực tiếp làm giáo viên. Thời trẻ, cụ giỏi tiếng Anh, bây giờ vẫn còn đủ khả năng dạy cho học sinh tiểu học và lớp 6. Trước khi lên lớp, cụ chuẩn bị giáo án tỉ mỉ, chu đáo, chỗ nào cần tìm hiểu thêm thì đến nhờ chị Thảo hoặc chị Hải là những thạc sĩ Anh ngữ ở cùng xóm giảng giải.
Bằng cách đó, cụ đã giúp nhiều học sinh nghèo nâng cao trình độ ngoại ngữ. Hai cháu Đinh Thị Thùy Linh và Dương Thị Thanh Tâm từ những học sinh kém hồi lớp 4, đến cuối năm học lớp 5 đều trở thành học sinh giỏi. Các cháu Anh Lài, Thu Thảo, Thanh Hằng, Quốc Tài... hồi mới đến học kiến thức rất yếu, nhưng cuối năm học 2008-2009 đều được xếp loại khá, giỏi. Hằng tháng, cụ làm phiếu liên lạc, thông báo về học lực và hạnh kiểm của học sinh cho gia đình biết nhằm tạo ra sự phối hợp trong công tác giáo dục.
Những năm gần đây, cụ Điệp còn được bà con trong khu phố bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hiếu học. Cụ đã kết hợp vai trò Chi hội trưởng Khuyến học và Chủ nhiệm CLB Gia đình hiếu học trong quá trình huy động, tập hợp tiềm năng của nhiều tầng lớp nhân dân để chăm lo việc học hành cho con cháu.
Từ đầu năm 2001, cụ Điệp đề xuất với UBND phường lập ra tủ sách khuyến học. Cụ tự nguyện trích lương hưu đóng một chiếc tủ khá to, rồi đi vận động một số cơ quan xin được hơn 300 đầu sách các loại, phục vụ miễn phí theo hai hình thức: Đọc tại chỗ hoặc mượn đem về nhà đọc.
Qua nhiều năm gắn bó với công tác khuyến học, cụ Điệp đã trở thành một người thân thiết của các gia đình khó khăn và của nhiều học sinh nghèo trong khu phố. Một số cán bộ phường và những công nhân lao động vừa đi làm vừa tranh thủ học tiếng Anh cũng được cụ Điệp tận tình giúp đỡ.
Được biết, cụ Điệp đã từng tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và cùng bị giam ở Khám lớn Sài Gòn với đồng chí Phan Đăng Lưu. Hồi ấy, cụ mới 16 tuổi, bị địch cầm tù 5 năm, còn đồng chí Phan Đăng Lưu bị giặc kết án tử hình. Vị Lão thành cách mạng này tâm sự: Biết bao người đã ngã xuống mới có nền độc lập hôm nay. Cho nên, mình còn làm được việc gì có ích cho xã hội thì phải cố gắng làm.
Bài và ảnh: MINH NGỌC