.

Khi tình yêu nghề vượt lên nỗi đau

.

“Suốt 35 năm trời đi dạy học, tôi chỉ tâm niệm một điều: Làm sao để truyền thụ hết kiến thức văn hóa và tình yêu thương con người cho học trò. Dẫu phải cực khổ và đau đớn bao nhiêu tôi cũng chịu đựng được, miễn là các em có được kiến thức vững vàng để tìm đến tương lai tươi sáng, giúp ích cho đời và cho đất nước. Được như vậy có vất vả, cực nhọc tôi cũng vui lòng...”.

Mô tả ảnh.
Thầy Hựu và bộ thước đa năng.

Đó là tâm sự của thầy Đào Hựu, giáo viên Toán Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (nay là Trường THCS Lê Anh Xuân). Thầy Hựu sinh năm 1955, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1975, sau đó thầy về trường này công tác cho đến bây giờ. Trải qua năm tháng, ngôi trường đã nhiều lần đổi tên nhưng thầy vẫn thủy chung với bao lứa học trò đi qua trang giáo án của thầy nơi đây.

Trong buổi cuối chiều se sắt gió, vừa đi công việc về, gặp chúng tôi tại nhà, thầy vồn vã: “Mình biết các cậu đến, về muộn một tý nhưng mình đã chuẩn bị từ trưa rồi”. Cái thầy chuẩn bị đó là bộ thước đa năng thầy tự sáng chế, từng đoạt giải nhất trong cuộc triển lãm đồ dùng dạy học tự làm của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu tháng 2-2009, đoạt giải nhì tại cấp sở của Sở GD&ĐT  Đà Nẵng tháng 3-2009. Kể về thành tích của mình, thầy chỉ nói đơn giản: “Quan trọng là niềm đam mê và tấm lòng yêu thương học trò. Mình tuy đau yếu nhưng cứ nghĩ đến những lúc được đứng trước lớp là bao nhọc nhằn tan biến mất. Bộ thước này cũng chỉ là đúc rút kinh nghiệm từ quá trình dạy học và… sự khốn khó một thời buộc người thầy phải tự chế ra đồ dùng để phục vụ việc dạy của mình cho thật tốt hơn mà thôi. Mình còn một lợi thế nữa đó là ba mình ngày xưa là thợ mộc, mình cũng hay theo ba phụ giúp, nghịch táy máy thành ra giờ cũng khá rành nghề mộc, nên có thể nói bộ thước này là sản phẩm của sự kết hợp giữa kinh nghiệm dạy học và nghề mộc cũng được…” (thầy cười xòa).

Nói về niềm đam mê dạy và “sáng chế” của thầy, cô Chung vợ thầy  (từng là giáo viên Văn dạy cùng trường với thầy nay đã về hưu) cho biết thêm: “Nhiều lúc cô không hiểu nổi thầy nữa, người thì mang trọng bệnh, nhưng khi đã lao vào công việc rồi là dường như không có gì tồn tại quanh thầy nữa. Vợ con cũng mặc, cơm nước quên giờ giấc, cô không nhắc chắc thầy bỏ cơm luôn. Cứ suốt ngày loay hoay quanh cái thước, khuyên sao cũng không được, đành rằng là niềm đam mê của thầy, nhưng chỉ lo sức khỏe bị ảnh hưởng thôi”.

Thầy Hựu vốn bị bệnh thoát đĩa vị cột sống, đã phẫu thuật hai lần, lại mang thêm chứng suy nhược cơ thể. Nói về lần phẫu thuật thứ 2 của thầy, cô Chung vẫn còn xúc động. “Sau lần phẫu thuật ấy cứ tưởng là thầy “đi rồi” đấy chứ. Ngay cả các bác sĩ cũng bảo với cô đó là một kỳ tích thầy mới qua khỏi. Sau đợt ấy sức khỏe thầy xuống nhiều lắm, đã làm đơn xin nghỉ nhưng khi khỏe thầy lại xin đi dạy lại, cô khuyên nhủ sao cũng không chịu”. Thầy nói: “Mình còn cống hiến được thì cứ cống hiến chứ ở nhà không làm gì buồn lắm. Hơn nữa mình lại có hậu phương vững chắc lắm (nhìn cô và cười)”.

Cho đến giờ, hằng tháng thầy vẫn phải thuốc men, đi khám định kỳ đều đặn. Thầy cũng đã từng mở lớp phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém, điều đặc biệt là lớp học của thầy hoàn toàn miễn phí. Khi hỏi tại sao thầy không thu học phí để kiếm thêm thu nhập, đỡ bớt khoản thuốc men hằng ngày, thầy bảo “các em học sinh vùng này còn nghèo khó lắm, khuyên các em đến lớp đã khó huống chi là thu tiền các em, làm sao đành”.

Về các bằng sáng chế đồ dùng dạy học (ĐDDH), thầy đã có 4 bộ đạt giải ba và 1 bộ thước đa năng đạt giải nhì tại các cuộc triển lãm ĐDDH của Sở GD&ĐT thành phố. Một người thầy luôn đau ốm nhưng không lúc nào ngừng nghỉ những sáng tạo và truyền hết tâm huyết cho lớp trẻ bao thế hệ. Kể về thầy Hựu như một người anh, người đồng nghiệp đáng kính trọng, thầy giáo Huỳnh Ngọc Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình cho biết: “Thầy Đào Hựu luôn là tấm gương về đạo đức của nhà giáo cho chúng tôi noi theo. Thầy từng phải mổ cột sống hai lần, có những lúc còn nằm trên giường bệnh, thầy vẫn gọi học sinh đến nhà và trực tiếp ôn luyện cho các em. Trong công việc, thầy luôn giúp đỡ đồng nghiệp, và hăng say sáng tạo ĐDDH, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy trong trường. Sức làm việc, sự sáng tạo của thầy đã thôi thúc chúng tôi làm việc và luôn phải trăn trở”.

Hiện tại, do sức khỏe yếu cùng với bệnh tật hành hạ, thầy Hựu đã nghỉ hưu. Nhưng tại nhà, nếu học trò có nhu cầu thầy luôn sẵn lòng truyền đạt kiến thức.

Chiều Nam Ô về tối trời lạnh hơn. Chia tay thầy, cô trong lưu luyến, cô Chung vẫn không quên chúc chúng tôi cố gắng thành công trên con đường sự nghiệp. Đúng là chỉ có những người thầy, cô giáo mới lúc nào cũng luôn nghĩ về học trò thân yêu, dù chúng tôi chưa từng được ngồi dưới lớp học của cô thầy một giờ.

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.