Theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục-Đào tạo, bắt đầu từ lớp 6, học sinh được học chương trình tiếng Anh. Nghĩa là, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh được học 7 năm tiếng Anh liên tục. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là sau khi học hết chương trình này, nhiều em vẫn không thể nói được một câu tiếng Anh suôn sẻ. Đây là thực trạng đáng báo động về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay.
Học để... lấy điểm
Nhiều giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay chưa thông thạo các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. (Ảnh có tính chất minh họa). |
Tính đến năm học 2010-2011, em Tr., học sinh Trường THPT Ng. Tr đã học chương trình tiếng Anh được gần 7 năm. So với bạn bè trên lớp, điểm số môn tiếng Anh của Tr. tương đối khá hơn nhiều. Dù vậy, theo mẹ em cho biết, nhiều lúc những người trong gia đình thử nói Tr. dịch hay đọc một đoạn ngắn văn bản bằng tiếng Anh, thì em lắc đầu bảo không làm được. Tr. nêu lý do: Chủ yếu là học để có điểm, cuối năm được lên lớp, thi đỗ tốt nghiệp THPT là tốt rồi.
Cũng như Tr., tâm lý học tiếng Anh để lấy điểm và đối phó với việc kiểm tra bài của thầy cô giáo đã ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận học sinh. Vì thế, nhiều em dù có kết quả học tập môn tiếng Anh cuối năm học đạt loại trung bình khá trở lên, song vẫn không thể nói, dịch được một câu tiếng Anh cho trôi chảy. Thử hỏi một nhóm học sinh nữ ở Trường THPT N.H, học tiếng Anh để làm gì? Không ngần ngại, nhiều em trả lời ngay: Học để thi, để đạt điểm cao. Còn muốn viết, muốn nói... thì sau này đi học ĐH Ngoại ngữ hoặc ở các trung tâm đào tạo tiếng Anh…
Tìm hiểu việc dạy học môn tiếng Anh ở các trường phổ thông, cho thấy việc chuyển tải kiến thức giữa người dạy và người học còn nặng về lý thuyết, thi cử, chứ chưa thật sự chú trọng thực hành, nâng cao các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết đối với học sinh.
Một giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT cho biết, thời lượng mỗi tiết dạy tiếng Anh chỉ có 45 phút, trong đó đòi hỏi giáo viên phải chuyển tải nhiều nội dung bài học, nên việc chú trọng rèn luyện sâu các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết cho học sinh không thể thực hiện được. Thời lượng, khung chương trình của môn học Bộ Giáo dục-Đào tạo đã quy định như vậy, giáo viên không thể làm khác hơn. Vả lại, lâu nay, việc rèn luyện các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết đối với học sinh mới chỉ thực hiện ở nhà trường, thông qua các thiết bị hỗ trợ như máy catsset, video clip… Vì không có điều kiện giao tiếp với người bản ngữ, hay sinh hoạt trong các câu lạc bộ tiếng Anh có những người bản ngữ tham gia, kỹ năng nghe-nói của học sinh bị hạn chế.
Ít giáo viên thành thạo cả 4 kỹ năng
Theo đề tài “Đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở thành phố Đà Nẵng” do Trường ĐH Ngoại ngữ thực hiện từ năm 2009-2010, vừa báo cáo Hội đồng Khoa học-Công nghệ thành phố cho thấy, chất lượng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở nhiều trường phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế.
Qua khảo sát 385 giáo viên dạy tiếng Anh của các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố, cho thấy đa số các giáo viên được đào tạo chương trình ĐH chính quy và đạt khá trong kỹ năng nói, sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên các kỹ năng nghe-đọc-viết của nhiều giáo viên còn nhiều hạn chế và cũng có rất ít giáo viên thành thạo trong cả bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Chỉ có một số ít trường tại trung tâm thành phố như: THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám, THCS Trưng Vương là có đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chất lượng cao, sử dụng tốt cả 4 kỹ năng này.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài giải thích, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiếng Anh còn kém trong nhà trường phổ thông hiện nay, là do các trang thiết bị để giảng dạy tiếng Anh hiện nay tại các trường rất thiếu về nhiều mặt.
Trước thực tế đáng báo động về chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông như hiện nay, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố cần tích cực đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường. Đồng thời, sớm có giải pháp trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, nhằm nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy cho giáo viên, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo môn tiếng Anh đối với học sinh.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH