.

Phát huy vai trò các “đội tự quản” trong nhà trường

.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2002, TTLT/BGD&ĐT-BCA của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và quản lý học sinh-sinh viên các trường ĐH, CĐ, TCCN, trong những năm qua, một số trường ĐH đã có những cách làm hay thông qua việc xây dựng mô hình “đội tự quản” để giữ gìn ANTT, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Bước đầu cho thấy, những mô hình này đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Xung kích giữ gìn ANTT

Mô tả ảnh.
“Lực lượng xung kích” của Trường ĐH Đông Á tại lễ ra mắt năm 2008.

Trước thực trạng tình hình ANTT diễn biến phức tạp, năm 2005, “Đội sinh viên tự quản” ký túc xá Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng được thành lập. Ban đầu, đội chỉ có 15 thành viên, nhưng đến nay đã phát triển thành 30 thành viên, trong đó có cả nữ. Hằng đêm, “Đội sinh viên tự quản” chia thành 3 nhóm, được trang bị đèn pin, gậy, băng đeo để tuần tra luân phiên từ 23 giờ ngày hôm trước đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. 

Một thành viên trong đội kể: Qua tìm hiểu, các thành viên trong đội biết 2 nhóm sinh viên ở Hà Nội và Nghệ An có mâu thuẫn rất sâu sắc với nhau và có nguy cơ dẫn đến ẩu đả. Để ngăn chặn xô xát xảy ra, các thành viên trong “Đội sinh viên tự quản” đến túc trực suốt buổi tối trong phòng của nhóm sinh viên Hà Nội và chờ nhóm sinh viên Nghệ An đến để giải quyết sự việc. Thế nhưng, trong khi nhóm sinh viên Hà Nội ra mở cửa và gặp nhóm sinh viên Nghệ An thì hai bên xảy ra xô xát. Mặc dù các thành viên trong đội đã cố gắng ngăn chặn, nhưng hậu quả sau vụ ẩu đả có 2 người bị thương.

Theo các thành viên trong đội cho biết, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, đội đã bắt, xử lý hàng chục vụ trộm cắp, gây rối ANTT lớn nhỏ xảy ra trong ký túc xá. Đặc biệt, không còn xảy ra trường hợp các cặp sinh viên nam nữ yêu nhau ngồi tâm sự trong khuôn viên ký túc xá bị đánh, bị cướp tiền, điện thoại... như trước đây.

Ông Phạm Minh Thắng, Phó Ban quản lý ký túc xá Trường ĐH Bách khoa cho biết, “Đội tự quản sinh viên” ở ký túc xá Trường ĐH Bách khoa là mô hình đầu tiên trong các trường ĐH ở thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình hoạt động, đội không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, mà còn có vai trò quan trọng trong việc cảm hóa một số sinh viên chậm tiến, hay rượu chè, quấy rối trong ký túc xá.

Cần nhân rộng mô hình “đội tự quản”

Với mục tiêu xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn, ngày 22-12-2008, Trường ĐH Đông Á có quyết định thành lập “Lực lượng xung kích trường học” gồm có 7 tiểu đội, mỗi tiểu đội từ 10 đến 13 người. Đối tượng được tuyển chọn vào lực lượng này là những sinh viên đang học tập tại trường, trước đây đã từng đi bộ đội.

Lực lượng này có vai trò nòng cốt trong việc  bảo vệ trật tự, an toàn học đường, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi những tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào nhà trường. Theo số liệu thống kê, từ ngày thành lập đến nay, “Lực lượng xung kích trường học” đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hơn 30 vụ xung đột lớn nhỏ giữa sinh viên các lớp với nhau.

Theo ông Hoàng Ngọc Phi, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên Trường ĐH Đông Á, số lượng sinh viên theo học tại trường hằng năm khá đông, nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT. Nhưng nhờ có “Lực lượng xung kích trường học” được thành lập kịp thời, tình hình ANTT trong nhà trường được giữ vững, không có tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường.

Mô hình “đội tự quản” sinh viên trong các trường ĐH là một mô hình hay, hoạt động khá hiệu quả, góp phần ổn định tình hình ANTT trong các trường học. Thiết nghĩ, cần nhân rộng mô hình này thêm nữa ở các trường ĐH, CĐ, TCCN trong thời gian đến.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.