Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo quy định điều kiện, hồ sơ và quy trình mở ngành đào tạo.
Theo đó, một trong các điều kiện được mở ngành là các đại học, học viện, các trường đại học phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, có khả năng xây dựng, phát triển và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo của ngành đào tạo.
Trong đó, có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.
Bên cạnh đó, trường cũng phải đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành đào tạo trình độ đại học như phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện để tra cứu thông tin, nguồn tư liệu...
Đối với các trường cao đẳng, điều kiện mở ngành thấp hơn. Yêu cầu về đội ngũ giảng viên cơ hữu là phải đảm nhận tối thiểu 60% chương trình.
Dự thảo cũng nêu rõ, thẩm quyền cho phép mở ngành đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo nếu không đảm bảo điều kiện cho phép mở ngành, không tuyển sinh được trong ba năm liên tiếp…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có quyền quyết định thu hồi quyết định mở ngành đào tạo nếu trường gian lận để mở ngành, vi phạm quy định về quản lý, tổ chức hoặc hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà ngành vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.
Dự thảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai trên website để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Trước đó, do có nhiều ý kiến cho rằng việc mở ngành đại học, cao đẳng hiện nay còn nhiều bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tạm ngừng việc cấp phép mở ngành để kiện toàn lại quy trình này.
TTXVN