Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Tân Mão, các cửa hàng rộn ràng tung ra các chương trình bán hàng đặc biệt vào cuối năm, các quán cà-phê, nhà hàng tại thành phố Đà Nẵng đã “lên lịch” hoạt động vào dịp Tết. Mặc dù bận rộn thi cuối kỳ, sinh viên cũng hối hả bắt nhịp để tìm việc làm thêm vụ Tết...
Đủ nghề, tiền công hấp dẫn...
Đây là năm thứ hai, Hoàng Thị Hương (20 tuổi, sinh viên năm 2 Đại học Duy Tân) ở lại thành phố làm thêm Tết để kiếm tiền gửi về phụ giúp bố mẹ ở Thanh Hóa. “Làm chân chạy bưng cà-phê ở quán vất vả lắm, chưa kể bị sự cố, bị chọc ghẹo nữa… nhưng phải cố gắng thôi. Tết này em phải gửi tiền về cho bố mẹ lo Tết ở quê và đóng tiền học cho hai đứa em nữa”. Hương cho biết, làm ở quán cà-phê trên đường Phạm Như Xương, bình thường làm 1 ca (5 tiếng/ngày) khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng, nhưng làm vụ Tết thì cao hơn, thường khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. So với thị trường, mức lương này chưa phải cao nhưng nó thực sự hấp dẫn đối với sinh viên, bởi làm ca nên có thể chủ động được thời gian tranh thủ ngoài giờ học.
Nguyễn Thị Mơ (sinh viên năm 3 lớp kế toán, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng) bận rộn với việc làm thêm dịp Tết. |
Đi trên các con đường chính ở trung tâm thành phố như Phan Châu Trinh, Lê Duẩn... những ngày này, rất dễ dàng bắt gặp khá nhiều bảng thông báo tìm người làm như: “Cần tuyển gấp”, “Tuyển ngay”... Tại quán
cà-phê New Life (191 Lê Lợi) đang tuyển khá nhiều người làm vào các vị trí: Phục vụ, lễ tân, thu ngân, bảo vệ, pha chế, tạp vụ...
Dắt xe máy vào quán cho tôi là một bạn trông còn khá trẻ, mặc đồng phục màu vàng, hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế. Cậu này cho biết: “Năm cuối dù bận rộn, nhưng làm thêm Tết thu nhập khá lắm nên mình cũng tranh thủ, làm 1 ca/ngày (7-8 tiếng) khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng nữa”. Không phải đi làm chỉ vì lo cơm áo, gạo tiền, khá nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” trong giới sinh viên cũng đi làm thêm chỉ để... nếm mùi làm thuê và hiểu thêm về giá trị đồng tiền. “Cầm được đồng tiền do chính mình làm ra vui lắm.
Dù được ba mẹ chu cấp đầy đủ, nhưng em sẽ để dành số tiền làm thêm Tết để mua tặng cả nhà vài món quà nhỏ” - Lan Trinh, sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế bộc bạch. Những công việc thời vụ vào dịp Tết chủ yếu là: Bán cà-phê, bán quần áo, bán hoa, trông xe, khuân vác, gói quà… tại các cửa hàng, hội chợ triển lãm, chủ yếu là làm bán thời gian. Có những công việc nộp đơn là được liền, có những việc phải đòi hỏi có ngoại hình, cách ăn nói, thậm chí là một số kỹ năng khác…
“Vắt chân lên cổ” mà... chạy
“Chạy sô”, đương nhiên phải mệt. Thời điểm cận Tết là cơ hội tốt để làm thêm nhưng cũng trùng với thời gian thi học kỳ. Bởi vậy, sinh viên phải tranh thủ từng phút để “chạy”. Khá nhiều sinh viên do không sắp xếp thời gian hợp lý, dẫn đến học hành sa sút. Vừa xếp lại quần áo trưng bày tại cửa hàng thời trang 123 Lê Duẩn, Nguyễn Thị Mơ (sinh viên năm 3 lớp kế toán, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng), quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bộc bạch: “Em làm ở đây được hơn một tháng rồi, công việc nhẹ nhàng, lương cao (khoảng 1,7-2 triệu đồng/ người/tháng) nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, có khi phải làm cả ngày, thậm chí đến 10 giờ đêm, lo chạy thật nhanh về nhà học bài đến 2-3 giờ sáng. Buổi sáng lên giảng đường mắt cứ díu lại không thể tập trung nghe giảng được”. Còn Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, đã nghỉ việc chạy bàn ở một quán ăn vì công việc quá sức, mất nhiều thời gian nên không thể tập trung học thi được.
Không chỉ mất sức vì việc làm và học tập, nhiều sinh viên còn gặp không ít khó khăn khi công việc không thuận lợi hoặc có xích mích với chủ nhân, vậy là mất toi số tiền công làm được. Làm thêm chính đáng là đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với sinh viên, việc học vẫn là quan trọng nên cần có sự sắp xếp thời gian hợp lý, hài hòa giữa học và làm.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ