Nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em gần đây gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh các giáo viên mầm non-những người chọn công việc này không chỉ bởi mưu sinh mà còn vì tình thương đặc biệt với con trẻ.
Ở một nơi khuất nẻo như làng Vân, có một cô giáo viết đơn tình nguyện ra dạy dỗ cho các bé thuộc lứa tuổi mầm non. Thế rồi, đã 12 năm, cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lựa chọn con đường khác.
Cố gắng trên 100% sức lực
Cô Bảy nhỏ nhẹ giúp bé 3 tuổi chọn màu tô. |
Lớp mẫu giáo Hòa Vân có 10 bé, ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Khác với thành phố, nơi đây chỉ có một trường, một lớp và một cô giáo, nên nhiệm vụ của cô cũng đa dạng. Các bé lớp nhỏ, lớp lớn được ghép chung một phòng học. Vừa giúp bé 3 tuổi chọn màu tô, cô lại quay qua bé 5 tuổi hướng dẫn viết chữ cái. Gần một nửa lớp là những em bị suy dinh dưỡng, khả năng học tập, vận động có phần hạn chế nên cô Bảy phải cố gắng trên 100% sức lực của mình.
Các bé liên tục thưa trình: “Cô ơi! Bạn Tài kêu con bằng “mi””, “Cô ơi, con gà con tô màu gì?”, “Con làm đúng chưa cô?”. Rồi hết bé này chưa kịp đi vệ sinh xong lại đến lượt bé khác. Không chỉ dạy dỗ, mọi sinh hoạt của các bé đều do một tay cô chăm sóc. Thế nhưng, khi bước chân vào căn phòng của những đứa trẻ này, tuyệt nhiên không thấy sự mệt mỏi, bực dọc trên gương mặt cô giáo Nguyễn Thị Bảy. Cô lần lượt đến bên từng bé, nhỏ nhẹ: “À, con viết giỏi quá”; “Con chọn màu đúng rồi. Con tô thêm chỗ này nữa nhé”, “Con đếm thử xem đàn gà có mấy con”… Sau mỗi lời nói, cô lại vỗ tay khuyến khích sự nỗ lực của bé.
Lớp trẻ ở làng Vân không có những vật dụng hiện đại, nhưng cũng đầy ắp sắc màu và những món đồ chơi ngộ nghĩnh. Đó là những “tác phẩm” tự tạo của cô Bảy. Bằng những chiếc ly không còn sử dụng được đến vỏ chai nước suối, giấy vụn, cô Bảy đã làm thành con trâu, con thiên nga, cành hoa hay dụng cụ cho bé học toán.
Không có ràng buộc nào cao hơn tình thương
Cô Nguyễn Thị Bảy cho biết, so với những ngày mới đặt chân tới ngôi làng này thì điều kiện dạy và học hiện tại đã tốt hơn rất nhiều. 12 năm trước, cô Bảy đang là giáo viên Trường mầm non Măng Non, nay là trường Hướng Dương (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu). Lúc ấy Phòng Giáo dục-Đào tạo quận chưa tìm được giáo viên ra làng Vân dạy mầm non, nên cô Bảy tình nguyện ra dạy.
Mỗi ngày cô đi bộ mười mấy cây số từ Kim Liên đến trường. Được một thời gian, sợ việc đi lại hằng ngày chiếm nhiều thời gian ảnh hưởng đến giờ học của các em, cô xin được ở lại tại trường, mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Ngày ấy, lương của cô là 140.000 đồng/tháng. Chưa kể, đang nuôi con nhỏ mới 3 tháng tuổi, cuộc sống khó khăn đến độ nhiều đồng nghiệp thương tình cho thêm tiền, cô mới đủ mua sữa cho con. “Những ngày khó nhất mình còn trụ được, thì giờ không có lý do gì để rời bỏ”, cô Bảy chia sẻ.
Giờ đây, cô Nguyễn Thị Bảy đã là công dân của làng Vân với một ngôi nhà nhỏ mọc bên bờ biển gần lớp học.
Bài và ảnh: Toàn Vân