.

Giáo dục - cầu nối hữu nghị Đà Nẵng - Lào

.
Những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng xem việc tăng cường giao lưu, trao đổi với các tỉnh Nam Lào là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng trong quá trình phát triển. Qua đó, một mặt củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, nhưng mặt khác, quan trọng hơn là tìm kiếm cơ hội để hai bên hợp tác cùng phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hiệu quả.
 
Mô tả ảnh.
Giờ lên lớp của thầy giáo Đỗ Trần Viên tại Trường tiểu học Hữu nghị.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào như Attapư, Sêkong, Salavan, Champasak, Savannakhet tháng 3-2011, Đoàn cán bộ lãnh đạo thành phố do đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn đã nhận được sự đón tiếp trọng thị và hết sức thân tình của những người bạn, người đồng chí ở đất nước Triệu Voi. Để rồi, kết thúc chuyến đi, ấn tượng sâu sắc để lại chính là tình cảm thân tình, sự gắn bó mật thiết, tình đoàn kết thủy chung giữa những con người đến từ hai đất nước khác nhau.

Đến thăm Trường tiểu học Hữu nghị của Hội Việt kiều tỉnh Sêkong, một trong những cơ sở giáo dục nhận sự hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, có thể thấy không khí nơi đây tràn ngập tình thân ái. Nhờ có ngôi trường này mà rào cản ngôn ngữ không làm trở ngại đến việc học tập của con em Việt kiều sinh sống tại đây. Anh Đỗ Trần Viên, giáo viên dạy tiếng Việt ở Trường tiểu học Hữu nghị tâm sự: “Tại trường, con em người Việt và người Lào học chung với nhau nên chúng tôi hướng dẫn học sinh Việt bày thêm tiếng Việt cho học sinh Lào. Ngoài ra, các em học đọc, học viết tiếng Việt để dễ giao tiếp, hoặc có thể quay trở về Việt Nam để tiếp tục con đường học vấn”.
 
Em Thái Phương Thảo, học sinh lớp 12 Trường trung học Mo So Savannakhet là thế hệ thứ hai sinh ra tại Lào. Mẹ em là người thành phố Đà Nẵng nhưng cũng đã gắn bó với đất bạn nhiều năm. Với Thảo, tiếng Việt khó học nhưng lại rất thú vị. “Em học tiếng Việt đến lớp 5 vì ở Lào lên cấp 2 là không học tiếng Việt nữa. Sắp tới em muốn về Việt Nam học đại học ngành ngoại giao nên sẽ cố học tiếng Việt nhiều hơn”, Thảo nói. Đối với bà con Việt kiều ở Lào, việc duy trì tiếng mẹ đẻ ở đất nước bạn cho con em mình không phải đơn giản. Nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ để xây dựng ngôi trường của người Việt và dạy tiếng Việt một cách bài bản tại nhà trường thì các thế hệ con em Việt kiều sau này sẽ không còn biết đến ngôn ngữ dân tộc Việt.

Cho đến thời điểm này, dấu ấn quan trọng về sự hợp tác giữa Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào thể hiện nổi bật nhất ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác hai bên, thành phố đã cấp nhiều suất học bổng tài trợ cho học sinh, sinh viên, cán bộ Lào sang học đại học, cao học tại Đà Nẵng. Tính từ năm 2002 đến nay, riêng Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận 541 lưu học sinh Lào theo học tiếng Việt, đại học và cao học các chuyên ngành sư phạm, kinh tế. Nhiều người đã tốt nghiệp và trở thành những cán bộ có chuyên môn, trình độ cao khi về công tác tại các tỉnh Nam Lào. Ngay trên đất nước bạn, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường học cho con em Việt kiều và học sinh người Lào, cũng như đầu tư xây dựng 2 Trung tâm tiếng Việt tại tỉnh Champasak và Savannakhet.
 
Ngoài ra, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sêkong. Ngôi trường này được xem như một biểu tượng cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa Đà Nẵng với các tỉnh Nam Lào. Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Sêkong Busay Saynhasen khẳng định, việc Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng trường sẽ giúp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh và từ đó, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của Sêkong trong những năm đến.

Có thể nhận thấy, đầu tư hợp tác phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại các tỉnh Nam Lào là hướng đi đúng của chính quyền thành phố. Thông qua giáo dục, Đà Nẵng đã góp phần giúp các tỉnh bạn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, tạo cơ hội để trao đổi, giao lưu văn hóa, giúp học sinh, sinh viên, cán bộ nước bạn hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh đó, những cán bộ của thành phố cũng có dịp sang học tập, tìm hiểu nền văn hóa của nước bạn và họ sẽ trở thành những cầu nối, liên kết tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước. Đầu tư giáo dục là đầu tư có ý nghĩa lớn, lại mang tính bền vững, do đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hợp tác phát triển lĩnh vực này với các tỉnh Nam Lào, xem đây là cơ hội để người dân hai nước thu nhận kiến thức khoa học, tiếp cận nền văn hóa, bản sắc riêng của mỗi nước và từ đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó sâu sắc giữa hai đất nước láng giềng thân thiết.

Bài và ảnh: HÀ AN
;
.
.
.
.
.