.

Giáo dục giới tính trong trường phổ thông: Thực sự cần thiết

.
Giáo dục giới tính cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn là vấn đề gây tranh cãi rằng nên hay không. Nhưng dù thế nào thì một thực tế phải chấp nhận là không ít trường hợp các em có thai ngoài ý muốn, phải bỏ ngang con đường học hành...

Những con số biết nói
Mô tả ảnh.
Một lớp học về giới tính và tình dục tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Đầu năm 2011, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố phối hợp với Hội LHPN tổ chức những buổi nói chuyện về giáo dục giới tính cho học sinh ở các trường THPT Hòa Vang, Thái Phiên. Nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý cho biết: Tại những buổi nói chuyện, các em rất quan tâm, chăm chú lắng nghe và đặt ra nhiều câu hỏi đôi lúc khiến người lớn cũng phải giật mình. Chẳng hạn như: “Quan hệ tình dục khi nào thì gọi là sớm?”, “Đồng tính luyến ái có phải là một loại bệnh?”, “Đời sống tình dục của người đồng tính luyến ái như thế nào?”, v.v... Nhiều em suốt cả buổi chỉ ngồi im lặng nhưng đến khi kết thúc buổi nói chuyện lại xin gặp riêng để được tư vấn về tình cảm. Có em lo lắng hỏi riêng bác sĩ: “Bạn trai con đòi quan hệ tình dục để chứng tỏ tình yêu. Con phải làm sao, con sợ lắm”. Sau khi nhận được lời khuyên, cô bé mới bớt lo lắng khi muốn níu kéo “tình yêu” của mình.

Trong khuôn khổ Dự án “Tích hợp giáo dục giới tính-tình dục-sức khỏe sinh sản vào chương trình đào tạo của ĐHSP Đà Nẵng” do Trường Đại học Sư phạm - thuộc Đại học Đà Nẵng và WPF (Hà Lan) thực hiện tại ĐHSP Đà Nẵng, một chương trình khảo sát thực trạng vấn đề đã được tiến hành tại Trường ĐHSP Đà Nẵng và Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng trong tháng 4 và 5 năm 2007 đã đưa ra nhiều con số đáng chú ý. Có 80% sinh viên và học sinh (SVHS) đề cập đến thay đổi giọng nói và lông mu, lông nách, 57,5% đề cập đến xuất tinh.
 
Có 80% biết về hiện tượng kinh nguyệt và phát triển vú. 31,8% SVHS nam không biết bất kỳ một dấu hiệu dậy thì nào ở bạn nữ. Gần 100% SVHS biết mục đích sử dụng bao cao su (BCS), song kiến thức đúng về thời điểm bắt đầu sử dụng BCS còn thấp: chỉ có 63,6% HS nam, 57,7% SV nam; 24,2% SV nữ và 15,8% HS nữ.
 
Mức độ tự tin từ chối quan hệ tình dục nếu không muốn chỉ có 37%. Có đến gần 50% cho rằng tình dục đồng tính là bệnh, 20% không có quan điểm gì; 50% sẽ không chơi với người đồng tính vì “Em nghĩ rằng nếu nữ thích nữ, nam yêu nam thì điều này sẽ đi ngược lại đạo đức truyền thống, không nên giao du với loại người này” - Một học sinh nữ còn bày tỏ “chính kiến”. Chỉ có 64,2% nữ SV, 42,1% nữ HS nhận biết về dấu hiệu có thai qua việc mất kinh. Mức độ tự tin tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản: 26,9% SV nam; 16,8% SV nữ; 9,09% HS nam và 10,5% HS nữ. Chỉ có 7 - 8% SV nữ và HS nam; 3,9% HS nữ và 32,6% SV nam tự tin đi mua BCS; 40,3% SV nam; 32,6% SV nữ; 25% HS nam; 15,7% SV nữ tự tin trao đổi với bạn tình về sử dụng biện pháp tránh thai...

Và những hệ lụy...

Ở nhiều nước trên thế giới, hàng chục năm nay, giáo dục giới tính như: Sức khỏe sinh sản, phát triển giới tính, tình cảm… đã có vị trí trong trường phổ thông. Thế nhưng ở nước ta, giáo dục giới tính trong nhà trường chỉ mới thể hiện một ít trong chương trình sinh học ở lớp 8 (giới thiệu cơ thể người, kinh nguyệt), ở lớp 5 (sự hình thành em bé...) với những thông tin hết sức cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của các em. Không thể phủ nhận rằng, điều kiện dinh dưỡng tốt nên học sinh ngày càng thông minh, năng động, dậy thì sớm nên nhu cầu nhận thức về mọi mặt đều vượt khung giảng dạy của nhà trường, nhất là trong lĩnh vực giới tính. Vậy nên, khi một học sinh lớp 6 đã hỏi về vấn đề tình dục, một số em nữ học lớp 5 đã có kinh nguyệt thì mãi đến lớp 8 các em mới được giới thiệu về những vấn đề này là quá muộn.

Tại thành phố Đà Nẵng, vì không có trong chương trình nên vấn đề này được tích hợp trong các môn học như: Ngữ văn, giáo dục công dân, sinh học… hoặc được đề cập đến trong các hoạt động ngoại khóa. Được biết, hiện nay, hầu hết các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều có tổ tư vấn tâm lý học sinh nhưng chỉ có một số ít trường là có hoạt động như: THPT Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Hòa Vang..., còn lại thì hoạt động cầm chừng, thậm chí có giáo viên còn không biết trường mình có... tổ tư vấn tâm lý? Bên cạnh đó, hầu hết giáo viên cũng thường hay tránh né, đỏ mặt khi đề cập đến vấn đề này.

“Nhiều người cho rằng: Giáo dục giới tính cho các em khi còn ngồi trên ghế học trò là “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng dù không vẽ thì hươu cũng đã chạy rồi. Chạy sai đường còn nguy hiểm hơn nhiều và không ít trường hợp đã để lại hậu quả đáng tiếc”.

Tiến sĩ tâm lý học, Hiệu phó Trường ĐHSP Đà Nẵng Lê Quang Sơn.
 
Đó là bởi các thầy cô đều chưa được trang bị kiến thức khoa học về sức khỏe sinh sản mà chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân và sách vở nên không tránh khỏi lúng túng, nhất là không biết sử dụng các thuật ngữ khoa học để giáo dục về giới tính.
 
Đã vậy, về nhà, phần lớn các bậc phụ huynh đều có tư tưởng con mình còn nhỏ dại, biết sớm chỉ thêm hư nên hễ con hỏi đến là nói lảng sang chuyện khác hoặc mắng xối xả. Càng hiểu biết “mập mờ” lại càng gây tò mò, thích thú và Internet với những trang web đen đã trở thành nơi để các em thỏa mãn sự tò mò ấy. 
 
Dù không thống kê được chính xác nhưng những trường hợp yêu sớm, có thai ngoài ý muốn vẫn xảy ra ở một vài trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Khi sự việc xảy ra, phụ huynh đều giấu giếm vì sợ tai tiếng, nhà trường thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ mất thi đua, và chính người trong cuộc cũng “tự giải quyết” để lại những di chứng, đau đớn về sau… Trước tình hình này, nhà trường cần có thêm nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính, Đoàn trường cũng phát huy vai trò của mình để “hâm nóng” lại không khí ở những tổ tư vấn tâm lý. Riêng mỗi em, có thể tham khảo trên mạng những trang web về giáo dục giới tính như Website: http://www.giaoducgioitinh.org.vn của Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
 
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.