Lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng, người khiếm thính (NKT) được tập trung học những kỹ năng rất đời thường tưởng như không có gì để học, đó là biết chấp nhận mình bị... điếc!
Người khiếm thính đang học bài Chấp nhận sự khác biệt bằng thái độ tích cực. Ảnh: THU HOA |
Chương trình diễn ra trong hai ngày 30 và 31-3, do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Việt Nam (DRD) phối hợp cùng Hội Người khuyết tật thành phố tổ chức.
Tôi điếc
Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục người khiếm thính, Chủ tịch CLB Khiếm thính TP. Hồ Chí Minh, điều phối viên DRD cho biết: Lâu nay, NKT vẫn sống hòa nhập cộng đồng, chẳng ai tách họ ra thế giới khác. Song, đó là do hoàn cảnh buộc con người ta phải hòa vào cuộc sống. Trên thực tế, NKT có thật sự hưởng toàn bộ giá trị của một con người đúng nghĩa hay không, lại là vấn đề khác.
Bất đồng trong giao tiếp, khiến phần đông NKT bị đẩy ra khỏi mọi câu chuyện thường ngày. Ngay cả với cha mẹ, người thân cũng không coi họ là thành viên có thể sẻ chia được. Vì thế, bà Hạnh cho rằng, bài học cơ bản đầu tiên chương trình muốn NKT phải xác định đó là biết chấp nhận sự khác biệt. Tuy vậy, chấp nhận với thái độ như thế nào mới là điều đáng học.
Theo bà Hạnh, thay vì lánh đi chỗ khác khi không thể nghe và nói chung với mọi người, NKT hãy mạnh mẽ gợi mở: Tôi bị điếc, nhưng tôi vẫn hiểu được nếu bạn nói chậm lại, hoặc tôi sẽ chỉ cho bạn cách ra dấu để trò chuyện cùng tôi. Đó là sự tích cực trong việc nhìn nhận thực tế.
Mặt bằng chung về trình độ văn hóa của NKT hiện nay là chỉ mới học xong cấp 1. Đã thế, họ phải mất từ 7-10 năm để hoàn tất chương trình. Học vấn thấp, không bằng cấp dẫn đến tình trạng thất nghiệp và cư xử thiếu hiểu biết là điều tất yếu. Không ít chủ doanh nghiệp than phiền, NKT có thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, thích thì làm, không thì thôi. Có trường hợp một nhân viên khiếm thính tự ý rủ thêm 4 người bạn khác vào công ty khi chưa được phép. Bị khiển trách, cô nhân viên này hùng hồn cho rằng ông chủ… quá ác! Một trường hợp khác đến tìm giám đốc để mắng tại sao người này làm ít mà lại... hưởng lương cao?!
Những tình huống khôi hài nhưng tất cả là điều có thực mà NKT đã mắc phải. Do đó, điều gì nên và không nên làm trong môi trường làm việc cũng trở thành đề tài hữu ích được các bạn khiếm thính tỏ ra rất quan tâm.
Xin một chỗ để… nói
Buổi học có sự tham gia của NKT thuộc nhiều lứa tuổi. Dù tất cả thông tin được trao đổi qua đôi bàn tay và tín hiệu môi, nhưng ai cũng có thể cảm nhận sự khát khao lĩnh hội kiến thức của các học viên đặc biệt này. Bởi lẽ hiện nay còn quá hiếm những chương trình phổ biến kiến thức dành riêng cho NKT, và một nơi để họ gặp nhau, chia sẻ hiểu biết cũng hầu như không có.
Hằng ngày, NKT chỉ gói gọn mối quan hệ giao tiếp với một số đối tượng nhất định. Rời những con người có thể hiểu họ, NKT thực sự rơi vào trạng thái lạc lõng. Các chuyên gia cho rằng, môi trường ngồn ngộn thông tin sẽ tạo nên sức bật trong sự phát triển khả năng ngôn ngữ của NKT. Tuy nhiên, cho đến nay, 60 thành viên khiếm thính thuộc Hội Khuyết tật và rất đông NKT tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có một địa điểm để sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố mong mỏi: “Chúng tôi đang cố tìm một hội trường nho nhỏ để các em được gặp nhau mỗi tháng một lần, nhưng thật khó khăn. “Trụ sở” Hội hiện nay chỉ là một… bộ bàn được kê nhờ tại một cơ sở sản xuất. Vì vậy, chúng tôi rất mong một đơn vị nào đó tạo điều kiện cho các em mượn chỗ để… nói”.
“Ngay cả khóa học này, nhiều em không có giấy mời nhưng cũng tự đến. Điều đó cho thấy các em đang “khát” biết chừng nào”, bà Hiền nói.
Thu Hoa