.

Sôi động ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp

.

Ngày 6-3, tại Trường CĐ Công nghệ-ĐH Đà Nẵng đã diễn ra Ngày Hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2011 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Sở Giáo dục-Đào tạo và ĐH Đà Nẵng tổ chức, với sự tham dự của gần 20.000 học sinh. Qua Ngày hội, các thí sinh đã có được những thông tin về tuyển sinh hết sức bổ ích để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 sắp đến.

Chương trình đào tạo, cơ hội việc làm thế nào?

 

Mô tả ảnh.
Thí sinh nêu câu hỏi nhờ các chuyên gia tư vấn giải đáp.

Trong suốt ngày diễn ra các hoạt động tư vấn, có nhiều ý kiến thí sinh đều băn khoăn với chương trình đào tạo của các trường ĐH, không biết học ở đâu thì chất lượng đào tạo tốt, sau này dễ tìm được việc làm. Trả lời câu hỏi: Ngành báo chí ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng có khác nhau không? T.S Nguyễn Tấn Lê, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng cho biết: Đến nay, Trường ĐH Sư phạm đã đào tạo 3 khóa báo chí và năm 2011 tuyển sinh khóa thứ 4.

Trường đào tạo các loại hình báo viết, báo ảnh, báo hình… và chương trình đào tạo đã được công khai trên website của trường để mọi người tham khảo. Còn theo TS Phạm Tấn Hạ, cán bộ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngành báo chí là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường và có rất nhiều thí sinh chọn ngành học này dự thi. Hiện nhà trường đang đào tạo theo hệ tín chỉ. Trước khi thi, thí sinh phải cân nhắc  vì ngành này điểm chuẩn rất cao. Nghề báo không chỉ ra làm báo, nhiều bạn ra trường làm truyền thông.

Thí sinh Lê Thị Thanh Vân hỏi các chuyên gia trong Ban tư vấn: Ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng có dễ xin việc sau khi ra trường không? TS. Phạm Thành Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nên nhu cầu về ngoại ngữ rất lớn. Trong những năm gần đây, Nhà nước đang rất chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Nếu các em học nghiêm túc sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường. 

Cùng nỗi lo lắng như trên, thí sinh Phan Văn Hùng hỏi: Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh quốc tế có dễ tìm kiếm việc làm không? Về vấn đề này, TS. Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng cho hay, đây là ngành học có nhiều thí sinh dự thi. Ngành này hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu… Sau khi ra trường có thể làm việc ở rất nhiều cơ quan, công ty, ngân hàng…

Không khí buổi tư vấn thật sự nóng khi có nhiều thí sinh khác nêu câu hỏi mang tính dự báo với các thành viên Ban tư vấn rằng: Vài năm nữa ở Đà Nẵng ngành nào cần nhân lực nhiều. Và ngành nào sẽ bão hòa nhu cầu nguồn nhân lực? Theo TS. Đào Hữu Hòa, thì đây là trăn trở của rất nhiều thí sinh và phụ huynh trong mùa thi sắp tới. Những năm qua, Chính phủ đã xác định khu vực miền Trung sẽ là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp… Như vậy nguồn nhân lực về cả các khối ngành về kinh tế cũng như kỹ thuật sẽ rất cần. Riêng về việc bão hòa nhu cầu nguồn nhân lực, không nên đưa ra kết luận ngành nào sẽ bão hòa trong tương lai. Còn Th.S Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, quan điểm chuyển sang dịch vụ đang có sự dịch chuyển rất rõ của nhiều nước trên thế giới. Việc phân bố chỉ tiêu các ngành học nào đó dựa trên sự nghiên cứu khảo sát và nhu cầu của thực tế.

Gỡ rối cho thí sinh

Ở khu vực tư vấn tâm lý, gỡ rối hướng nghiệp do Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh và thầy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng phụ trách, không khí buổi tư vấn cũng khá “nóng” bởi thí sinh đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa.

Thí sinh Vũ Ngọc Hà, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh nêu băn khoăn, lo lắng của mình: Em thích học khối ngành công nghệ, nhưng anh trai cứ nhất quyết bảo em phải học khối ngành kỹ thuật. Vậy em phải làm sao? Trước những khó khăn mà Hà đang gặp phải, Tiến sĩ Đinh Phương Duy nói: Việc chọn nghề, chọn trường rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến quá trình học ĐH và tương lai sau này của em. Vì vậy, trước khi đăng ký dự thi, em cần tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là do em. Trong trường hợp này, em cần tìm hiểu những ưu điểm của khối ngành công nghệ, các cơ hội việc làm sau khi ra trường, nêu sở thích, năng lực của em phù hợp với khối ngành này… rồi phân tích cho anh trai hiểu, để chấp nhận với quyết định của mình.

Có thí sinh hỏi: có những ngành nghề mình chọn theo sự yêu thích, thì sau này thu nhập không nhiều. Còn nếu học một số ngành nghề mình không yêu thích lắm, nhưng sau này thu nhập sẽ cao. Vậy, em phải chọn ngành đăng ký dự thi theo xu hướng nào? Theo Tiến sĩ Đinh Phương Duy, trước hết, em nên chọn ngành dự thi theo sự yêu thích của bản thân, để được trúng tuyển vào ĐH đã. Đây chính là yếu tố tiên quyết để được ngồi trên giảng đường ĐH. Về thu nhập sau này thì cũng là điều quan trọng nhưng không đáng lo ngại lắm. Bởi lẽ, thị trường lao động ở Việt Nam hiện đang rất sôi động, đa dạng, nhu cầu tuyển dụng các loại ngành nghề khá lớn. Nếu giỏi, thì em không sợ sau này có thu nhập thấp, vì có nhiều cách kiếm ra tiền sau này.

Với kinh nghiệm làm công tác tư vấn tuyển sinh lâu năm, các chuyên gia tư vấn khuyên rằng, trong khi làm bài thi, các thí sinh phải thật sự bình tĩnh. Kết thúc kỳ thi, phải tạo cho mình tâm lý thật thỏa mái, chứ đừng kỳ vọng quá lớn, nếu chẳng may không trúng tuyển sẽ bị sốc, gặp những điều không hay. Trong trường hợp không trúng tuyển ĐH, thì vui vẻ đăng ký học CĐ hoặc TCCN, rồi sau này tiếp tục học liên thông để lấy bằng ĐH. “Ở Việt Nam có nhiều trường hợp giáo sư, tiến sĩ khá nổi tiếng, nhưng xuất phát điểm ban đầu của họ chỉ là TCCN hoặc CĐ”, thầy Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.