.
Thực hiện chương trình dạy tiếng Anh lớp 3:

Nguy cơ thiếu giáo viên đạt chuẩn

Năm học 2010-2011, thành phố Đà Nẵng có 4 Trường tiểu học là  Hoàng Văn Thụ, Ngô Sĩ Liên, Hoàng Dư Khương và Huỳnh Ngọc Huệ được chọn triển khai thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 theo chủ trương của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). Đây là chương trình dạy học bắt buộc, bước đầu cho thấy nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường lo ngại, nếu triển khai dạy đại trà trong thời gian đến, thì nguy cơ thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT là điều khó tránh khỏi.

Học sinh thích thú

Theo đánh giá của Ban giám hiệu các trường tiểu học được chọn dạy thí điểm chương trình tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trong năm học 2010-2011, hầu hết học sinh đều tỏ ra thích thú khi được học chương trình mới này. Bởi lẽ, với chương trình tiếng Anh tự chọn trước đây, học sinh chỉ được học 2 tiết/tuần. Nay theo chương trình mới, học sinh được học 4 tiết/tuần. Thêm vào đó, chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 do Bộ Giáo dục-Đào tạo biên soạn có nội dung gần gũi, sinh động, phong phú đã kích thích tinh thần hứng thú học tập của học sinh.

Cô Phù Ái Khanh, giáo viên tiếng Anh, chương trình thí điểm tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) nhận xét: Với chương trình tiếng Anh bắt buộc này, học sinh có điều kiện tiếp xúc với giáo viên, với tiếng Anh được nhiều hơn chương trình tự chọn trước đây. Vì đây là môn học chính khóa, nên sẽ tạo tâm lý cho các em xem môn tiếng Anh như những môn học chính khóa khác. Qua một thời gian dạy thí điểm, cho thấy học sinh học tập rất sôi nổi, thích thú hơn so với chương trình tiếng Anh tự chọn.

Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu) cũng được chọn thí điểm chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trong năm học 2010-2011. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, qua thời gian thực hiện thí điểm chương trình dạy học bắt buộc môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, cho thấy chất lượng dạy và học môn tiếng Anh có nhiều chuyển biến đáng kể. Với chương trình tiếng Anh mới này, học sinh được rèn luyện bài bản hơn các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Ông Nghĩa cho biết thêm, sau khi thực hiện thí điểm tại Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 sẽ được Phòng Giáo dục-Đào tạo triển khai đồng đều tại các trường tiểu học khác trên địa bàn quận.

Căng thẳng giáo viên đạt chuẩn

So với các địa phương khác, học sinh tiểu học ở Đà Nẵng có cơ hội tiếp xúc với môn học tiếng Anh từ rất sớm. Cách đây gần 10 năm, ngành GD-ĐT thành phố đã triển khai chương trình dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh tiểu học, nên đã sẵn có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học khá đầy đủ. Tuy vậy, điều đáng quan tâm là hiện nay, những giáo viên đạt điểm TOEFL từ 400 điểm trở lên (theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT) để đảm nhận việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 không nhiều.

Ông Cao Hữu Công, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết, hiện nay, nhà trường có 4 giáo viên dạy tiếng Anh (có 2 giáo viên diện hợp đồng, được chi trả lương từ nguồn thu học phí nên mức lương thấp), trong đó, cô Phù Ái Khanh đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, 3 giáo viên còn lại chưa đạt chuẩn. Theo ông Công, để có đủ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ quan chức năng cần có chế độ chính sách hợp lý để giáo viên yên tâm công tác, tự nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, lâu nay, tiếng Anh đã được đưa vào các trường tiểu học như một môn học ngoại khóa. Lương giáo viên được chi trả từ nguồn thu học phí 3.000 - 4.000 đồng/tháng/học sinh, nên giáo viên chỉ nhận khoảng 400 - 500 nghìn đồng/tháng/người. Chính mức lương thấp này đã khiến cho nhiều giáo viên không yên tâm công tác. Trong đợt thi lấy điểm TOEFL vừa qua, chỉ có một số ít trong tổng số 34 giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường trên địa bàn quận đạt chuẩn.

Một lãnh đạo Phòng tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, để nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT, trong thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường tiểu học. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực hiện việc dạy tiếng Anh đại trà cho học sinh lớp 3 tại các trường tiểu học trong thời gian đến, các cấp chính quyền thành phố cần có chế độ chính sách hợp lý để giữ chân đội ngũ giáo viên, cũng như khuyến khích họ nâng cao trình độ chuyên môn.

Phương Chi

;
.
.
.
.
.