.

Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường: Tạo điều kiện cho người dân được học tập

.

Từ năm 2004, đồng loạt các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại xã, phường trên địa bàn thành phố được thành lập, trang bị kiến thức nhiều mặt cho người dân, trở thành một mô hình giáo dục hữu ích.

Mô tả ảnh.
Các lớp chuyên đề đã trang bị được kiến thức nhiều mặt cho người dân.
Mô hình hữu ích

Hoạt động của TTHTCĐ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu học tập, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, tập huấn chuyển giao KHKT, còn là nơi mở các lớp chuyên đề, các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề khác nhau như: Sản xuất, trồng trọt, sức khỏe dinh dưỡng, sinh sản, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, còn tạo cơ hội học tập cho những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi như: Phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số, tiến tới hình thành một xã hội học tập.

Tại TTHTCĐ xã Hòa Tiến, những năm qua đã có  hơn 70% người dân trong xã được tham gia học tập tại trung tâm, với hình thức lấy ý kiến khảo sát từ người dân, phối hợp mở các lớp chuyên đề nâng cao kỹ thuật sản xuất như sản xuất nấm, nuôi trùn quế… ngoài ra còn mở các lớp nấu ăn cho phụ nữ, chăn nuôi, thú y…, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em không có việc làm trong xã. Một hiệu quả nữa là phổ cập trung học cho các em học sinh không đỗ vào lớp 10, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em…
Chị Nguyễn Thị Lệ (Hòa Tiến) cho hay: “Trước đây chị không có việc làm, bởi quá tuổi các doanh nghiệp không tuyển dụng… nên khi TTHTCĐ mở lớp dạy nấu ăn, chị đã hăng hái đi học. Nay nhờ đó mà chị đã có thể tự thành lập nhóm nấu ăn thuê cho các tiệc cưới tại gia đình, nhà hàng, có việc làm để cải thiện cuộc sống gia đình…”.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc TTHTCĐ phường Thuận Phước cho biết, hằng năm, trung tâm đã tạo cơ hội học tập cho trên 1.000 lượt người tham gia. Nội dung được học tập nhiều nhất là về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các buổi nói chuyện chính trị; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tư vấn chăm sóc về các bệnh phụ khoa, tập huấn tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS,…

Để các trung tâm hoạt động hiệu quả hơn

Được biết, từ nhiều năm nay, các TTHTCĐ hoạt động chủ yếu vẫn tận dụng các công trình có sẵn tại địa phương như hội trường ủy ban, nhà văn hóa xã… Bên cạnh đó, việc duy trì, phát triển những hoạt động của trung tâm cũng gặp không ít khó khăn do nhiều Ban giám đốc TTHTCĐ còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai, dự trù kinh phí, do thiếu cán bộ chuyên trách. Đa số Ban giám đốc tại các trung tâm hiện nay đều là kiêm nhiệm, vì thế nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả, chưa thu hút được người dân tham gia.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, đồng thời là Giám đốc TTHTCĐ cho rằng: “Hiện phần lớn, các cán bộ của trung tâm đều kiêm nhiệm, nên việc bảo đảm triển khai tốt, hiệu quả các hoạt động là rất khó, bởi không có đủ thời gian, cũng như toàn tâm, toàn ý cho công việc... Nếu có một cán bộ chuyên trách quản lý thì việc triển khai nhiều hoạt động sẽ hiệu quả hơn…”.

 Bài và ảnh: Kim Oanh

;
.
.
.
.
.