.

Vật giá leo thang, sinh viên khổ!

Sống xa nhà, phải tự chi tiêu trong một khoản sinh hoạt phí nhất  định gia đình gửi hằng tháng; thế nhưng, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện sinh hoạt “thoải mái”, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang phải đối mặt với giá cả thị trường ngày càng tăng…

Bạn Nguyễn Thị Vân, sinh viên Trường cao đẳng Lương Thực-Thực phẩm Đà Nẵng cho biết: “Nhà em ở Quảng Nam, gia đình làm nông, từ khi em ra Đà Nẵng học, gia đình gửi cho 1 triệu đồng/tháng để trang trải sinh hoạt phí, bao gồm cả tiền thuê nhà. Hằng tháng, em phải phân chia tiền ăn và tiền thuê nhà, điện, nước… may ra thì đủ. Thế nhưng, từ trước Tết đến nay, giá cả sinh hoạt tăng vọt làm cho sinh viên chúng em thêm khó khăn. Một số bạn tranh thủ đi làm thêm để cải thiện cuộc sống”.

Bạn Trần Văn An, sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng tâm sự: “Là con trai thường ít rạch ròi chi tiêu như các bạn nữ sinh viên; em ở chung phòng trọ với 2 bạn, tháng nào cũng vậy, cứ nhận tiền gia đình gửi lên là mỗi đứa mua 2 thùng mì tôm để đấy, còn tiền thì tụi em đi ăn cơm “bụi”, nếu hết tiền thì ở nhà ăn mì tôm…”. An cho biết thêm, gia đình An ở Quảng Ngãi, bố mẹ là công nhân và nuôi hai đứa em đang học phổ thông, rồi bao nhiêu khoản chi tiêu khác nữa, vì vậy, mỗi tháng gia đình chỉ tiết kiệm gửi cho em 1 triệu đồng, dư thiếu như thế nào đều do em tự tính, giá cả cứ “leo thang” thế này thì đành ăn ít đi vậy… Một sinh viên cùng phòng trọ với An cho biết, từ trước Tết đến nay, giá cơm “bụi” sinh viên tăng từ 12.000–15.000 đồng/suất. Theo đó, giá phòng trọ cũng tăng, năm ngoái phòng trọ em ở là 14m2 với giá 600 ngàn đồng/tháng, giờ đây đã lên 900 ngàn đồng/tháng chưa kể chi phí điện, nước cũng tăng theo.

Tuy vậy, dù rất tiết kiệm chi tiêu, tính tất cả tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn, mỗi sinh viên tại Đà Nẵng phải tốn từ 1,2 đến 1,3  triệu đồng, chưa kể đến tiền học thêm và tiền học phí của mỗi sinh viên cũng tăng theo giá cả thị trường.

Giá xăng tăng, giá điện, nước tăng đã kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá, người lao động thu nhập thấp và sinh viên nghèo là những người chịu tác động nhiều nhất. Chịu ảnh hưởng của đợt “bão giá”, nhiều sinh viên đã chủ động đi làm thêm để kiếm thu nhập, họ đã đến các trung tâm gia sư để tìm nơi dạy thêm, một số bạn thì phụ việc tại các quán ăn hoặc quán café với số tiền từ 800.000-1.000.000 đồng/tháng. Có thể nói, việc làm thêm sẽ giúp các bạn sinh viên cải thiện sinh hoạt phí nhưng họ phải biết sắp xếp và cân đối giữa việc học và làm.

Anh Ngô Quang Mỹ, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Để giúp các bạn sinh viên cải thiện sinh hoạt trong đợt giá cả leo thang hiện nay, Đoàn trường đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo cơ hội tìm việc cho những sinh viên có nhu cầu cải thiện cuộc sống. Trong tháng 3-2011, Đoàn trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt ngoài công tác giới thiệu việc làm bán thời gian, Đoàn trường còn kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tài trợ học bổng cho những sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập. Đó là những việc làm thiết thực và hiệu quả nhất giúp các bạn sinh viên vượt qua giai đoạn “bão giá” hiện nay…”.

Nguyễn Hương
;
.
.
.
.
.