.

Đột phá xây dựng và phát triển mạng lưới trường lớp

.
Chiều ngày 20-4, tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ thông giai đoạn 1998-2010; Đề án quy hoạch mạng lưới trường TCCN giai đoạn 2001-2010 và Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2010. Đồng chí Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì hội nghị.
 
Mạng lưới trường lớp phát triển mạnh

Mô tả ảnh.
Trong những năm qua, mạng lưới trường lớp không ngừng được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong ảnh: Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Liên Chiểu).
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ khi triển khai thực hiện 3 Đề án nói trên, mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn thành phố phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Về mạng lưới trường phổ thông, toàn ngành đã được đầu tư 1.251 tỉ đồng xây dựng mới và cải tạo 6.785 phòng học; 322 phòng bộ môn và 1.312 phòng nhà hiệu bộ; diện tích đất được mở rộng hơn 105 héc-ta.
 
Có 100% trường học đã được tầng hóa. Trong đó, có một số công trình tiêu biểu như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh…Kể từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, mạng lưới các trường học, bậc học được quy hoạch, sắp xếp hợp lý theo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi phường, xã có 1 đến 2 trường mầm non, 1 đến 2 trường tiểu học. Mỗi quận, huyện có 1 đến 2 trường THCS, THPT và 1 đến 2 Trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp.

Sau khi triển khai thực hiện Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2008-2010, số trường học đạt chuẩn quốc gia tại các quận, huyện đã tăng lên đáng kể so với trước. Qua 3 năm thực hiện Đề án, toàn ngành có 20 trường mầm non, tiểu học, THCS đã đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, có 5 trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2008-2010 nằm ngoài kế hoạch của Đề án, gồm các trường: Họa My (Sơn Trà), Hoàng Yến, Hoa Ngọc Lan, Tuổi Ngọc, Họa Mi (Liên Chiểu). Đến nay, hầu hết các trường đạt chuẩn quốc gia đều có cảnh quan sư phạm khang trang, môi trường xanh-sạch-đẹp và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh trong giai đoạn mới.

Ở bậc học TCCN, từ chỗ chỉ có 8 trường năm 2001, đến nay, con số này đã tăng lên 22 trường. Trong giai đoạn 2001-2010, các trường đã tuyển sinh đào tạo 132.219 học sinh; trong đó, có 128.974 học sinh tốt nghiệp THPT và 3.245 học sinh tốt nghiệp THCS, góp phần đáng kể vào việc phân luồng học sinh. Và hầu hết các trường TCCN đều đào tạo các ngành nghề đáp ứng thị trường lao động. Tính đến nay, có 89 ngành thuộc các khối ngành nông nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật kiến trúc, y tế…được đào tạo tại các trường TCCN.

Đầu tư quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới trường lớp, cũng như xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay.  Theo ông Lại Tấn Nghị, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu, đến nay trên địa bàn quận chưa có trường THCS nào đạt chuẩn quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất hạn chế, không đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn quận đạt kết quả tốt, thành phố cần mở rộng diện tích đất cho các trường học. Riêng đối với những địa bàn quy hoạch, giải tỏa, cần bố trí quỹ đất xây dựng trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Cùng quan điểm trên, ông Vĩ Sách, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê cũng đưa ra thực trạng các trường học nằm trong khu vực trung tâm thành phố gặp khó khăn trong việc đầu tư, xây dựng trường chuẩn quốc gia do quỹ đất không đủ diện tích trên đầu học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, để những trường này đạt chuẩn quốc gia, trong thời gian đến, thành phố cần đầu tư xây dựng trường theo hướng tầng hóa. Ông Sách cũng nêu thêm thực trạng, thời gian qua, việc chỉnh trang đô thị làm dịch chuyển dân số từ khu vực này sang khu vực khác, kéo theo đó là số lượng học sinh thay đổi giữa các khu vực. Bởi vậy, khi thành phố thực hiện quy hoạch, giải tỏa ở khu vực nào thì cần tính đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp cho phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh nhận xét, nhìn chung, sau khi thực hiện các Đề án nói trên, bộ mặt trường lớp trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi, phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Bà Nông Thị Ngọc Minh lưu ý, trong thời gian đến, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp để xem lại những việc đã làm được và chưa được. Trên cơ sở đó, có sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình thực hiện các Đề án trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

Bài và ảnh: Phương Chi
;
.
.
.
.
.