Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 diễn ra trong các ngày 2, 3 và 4-6-2011 với 6 môn thi: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học và Địa lý. Trong đó, các môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Sau đây là những kinh nghiệm, hướng dẫn cách ôn tập của thầy, cô giáo để giúp học sinh làm bài thi đạt kết quả tốt.
* Cô Đỗ Thị Cẩm Nhung, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh: Thông thường trong đề thi môn Ngữ văn có 3 câu hỏi gồm phần văn học nước ngoài và văn học Việt Nam. Đối với phần văn học nước ngoài thì thường là câu hỏi lý thuyết. Đây là phần học sinh dễ “ăn” điểm nhất, nên trong quá trình ôn tập, các em cần nắm rõ về các tác giả, nội dung tác phẩm, những vấn đề nhỏ trong tác phẩm. Phần văn học Việt Nam cũng vậy, học sinh phải thuộc tác phẩm thơ, các dẫn chứng tác phẩm văn xuôi để làm tư liệu trong quá trình phân tích, chứng minh tác phẩm.
Trước khi làm bài nên lập sơ dàn ý trong đầu hoặc trong giấy nháp để quá trình làm bài không bị quên ý và viết sẽ chặt chẽ hơn. Dù câu hỏi mang tính lý thuyết hay câu hỏi phân tích, bình luận, chứng minh... về tác phẩm, muốn đạt điểm tối đa thì học sinh phải trình bày đủ cả ba yếu tố: mở bài, thân bài và kết luận. Đây được xem là phần điểm kỹ năng của học sinh.
* Thầy Nguyễn Xuân Phong, giáo viên môn Địa lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Đề thi môn Địa lý ra nhiều dạng như: chứng minh, phân tích, so sánh, trình bày, khái quát, tổng hợp… Bên cạnh đó, còn có câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ, đọc Atlat. Vì vậy, học sinh phải trang bị cho mình kỹ năng vẽ, nhận xét biểu đồ, đọc Atlat. Đề thi thường có cấu trúc trải dài toàn bộ chương trình môn Địa lý lớp 12, vì vậy học sinh cần phải nắm vững kiến thức đã học, rèn luyện tốt các kỹ năng làm bài.
Muốn làm tốt bài thi môn Địa lý, trước hết học sinh phải hiểu yêu cầu của đề. Gạch chân những từ trong câu thể hiện yêu cầu của đề. Sau đó, lập dàn ý cho nội dung của đề yêu cầu, từ đó, nêu ra được những ý, nội dung cần giải quyết. Để bài thi đạt điểm tối đa, học sinh phải diễn đạt rõ ràng, chính xác khi làm bài, chữ viết rõ, dễ đọc.
* Cô Phạm Thanh Dung, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Thanh Khê: Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh thường có các phần ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, kỹ năng viết, kỹ năng đọc… Để làm tốt bài thi môn Anh văn, học sinh phải nắm vững về cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm. Trong quá trình ôn tập, các em phải thường xuyên tập đánh trọng âm, dấu nhấn, cách phát âm của từ. Những từ khó thì phải tra từ điển để biết. Ngoài ra, trong đề thi tốt nghiệp, người ta thường ra các phần đánh trọng âm, dấu nhấn, cách phát âm của từ, vì vậy học sinh phải ôn luyện thật kỹ những kỹ năng này. Học sinh cần đọc kỹ từng câu hỏi của đề thi để xác định đúng các từ đồng âm, khác nghĩa, tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Về phần ngữ pháp, đề thi trải đều các câu hỏi về đặc điểm ngữ pháp, thì, mệnh đề, câu điều kiện, các từ nối, lỗi trong câu. Muốn làm tốt phần này, trước hết cần phải xác định cấu trúc của câu, dạng thì, rồi tìm ra câu trả lời chính xác. Khi làm bài, các em nên chọn câu dễ làm trước, còn những câu quá khó thì làm sau.
(Còn nữa)
NGỌC ĐOAN (ghi)