.
Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2011:

Làm thế nào để bài thi đạt điểm cao?

.
Mô tả ảnh.
* Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy, giáo viên môn Sinh Trường THPT Thái Phiên:
Trong quá trình ôn thi, học sinh cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa để hiểu và vận dụng giải thích các hiện tượng thực tế, bài tập. Nắm chắc và hiểu các khái niệm, định nghĩa, công thức... Bên cạnh đó, cần hệ thống hóa kiến thức đại cương, rồi từ đó đi vào từng phần, từng chương, từng bài. Thật ra, hình thức thi trắc nghiệm có nhiều yêu cầu cao hơn so với hình thức thi tự luận. Nhưng phần đông học sinh thường hay quan niệm sai lầm là thi trắc nghiệm không cần học kỹ, chỉ cần đánh dấu các câu trả lời theo kiểu hên, xui. Mỗi một câu hỏi trong đề thi có 4 đáp án a, b, c, d có nội dung gần giống nhau, nhưng trong đó chỉ có một đáp án đúng. Bởi vậy, học sinh cần nắm chắc kiến thức để xác định đâu là đáp án đúng.

Mô tả ảnh.
* Thầy Phạm Khắc Chính, giáo viên môn Vật lý Trường THPT Ngô Quyền:
Trong quá trình ôn tập, các em học sinh nên bám theo chuẩn kiến thức của Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định, nằm chủ yếu trong hướng dẫn đề cương ôn tập. Học sinh nên hạn chế ôn theo tài liệu bên ngoài, vì có những tài liệu không chính thống. Còn khi bước vào phòng thi, các em phải thật bình tĩnh, tự tin, phải cẩn trọng ghi đúng mã số báo danh, mã đề thi. Trong quá trình làm bài, để đỡ mất thời gian, câu nào dễ các em làm trước (những câu hỏi mang tính chất nhận biết), câu nào khó làm sau. Trường hợp các em tập trung lo làm câu khó trước thì sẽ không kịp thời gian vì đề thi môn Vật lý ra theo hình thức trắc nghiệm.

Mô tả ảnh.
* Thầy Võ Tiến, giáo viên môn Toán Trường THPT Phan Châu Trinh:
Đối với môn Toán, học sinh cần ôn tập theo chuẩn kiến thức, bám sát chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Nên ôn tập cơ bản, nắm chắc từng phần một và siêng tự giải bài tập để nắm vững các kỹ năng làm bài. Nội dung đề thi thường ra dàn trải cả chương trình học, nên học sinh không được học tủ, bỏ bất cứ phần nào trong sách giáo khoa.

Về đề thi, thường thì có khoảng 70% câu hỏi vừa sức của học sinh trung bình, đề ra không lắt léo, đánh đố. Bởi vậy, câu nào dễ các em làm trước, câu nào khó làm sau. Làm xong ý nào thì dò cẩn thận trước khi chuyển qua ý khác. Ngoài ra, các em cần lưu ý sau khi làm xong bài, phải dành thời gian dò lại để kịp thời điều chỉnh sai sót, không nên ra về sớm.

Ngọc Đoan (ghi)
;
.
.
.
.
.