.

Nạn chạy trường bằng hộ khẩu

.

Để con em mình có chỗ học theo ý muốn, thuận tiện cho việc đưa đón hằng ngày, nhiều phụ huynh đã chọn giải pháp chạy trường cho con bằng hộ khẩu. Tình trạng này khiến cho nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu liên tục bị quá tải, gây khó khăn trong hoạt động dạy và học.

Mô tả ảnh.
Nạn chạy trường bằng hộ khẩu làm cho Trường tiểu học Phù Đổng luôn bị quá tải học sinh trong những năm qua.

 

Bố mẹ làm đâu, con học ở đó

Liên tục trong những năm qua, các trường tiểu học có chất lượng dạy học tốt trên địa bàn quận Hải Châu như Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ… liên tục bị quá tải học sinh. Nguyên nhân là do tình trạng phụ huynh chạy trường bằng hộ khẩu. Theo kết quả điều tra phổ cập của Trường tiểu học Phù Đổng, số trẻ em độ tuổi vào lớp 1 nằm trong phạm vi tuyển sinh của trường năm học 2010-2011 có 184 em, nhưng đến khi tuyển sinh, trên địa bàn lại xuất hiện thêm 239 trường hợp có hộ khẩu thường trú xin nhập học vào trường.

Tương tự, kết quả điều tra phổ cập của Trường tiểu học Phan Thanh, năm học 2010-2011, trên địa bàn tuyển sinh của trường có 113 trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1. Thế nhưng, đến lúc nhận hồ sơ tuyển sinh, nhà trường mới “té ngửa” vì có đến 154 hồ sơ đề nghị nhập học. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 110 học sinh lớp 1, nhà trường bị quá tải 1 lớp.

Quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ở cấp tiểu học, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Thế nhưng, tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu, những năm qua luôn có sĩ số dao động từ 45-50 học sinh/lớp, nên các trường gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức hoạt động dạy học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có chỗ học hợp pháp cho con em mình, đa số phụ huynh đều chọn cách chuyển nhập hộ khẩu trước 1, 2 năm cho con vào nhà người bà con hoặc người quen ở gần trường mà họ thích để  được vào học đúng tuyến. Chị Tr, nhà ở quận Thanh Khê cho biết, do hai vợ chồng chị làm việc ở địa bàn quận Hải Châu, nên hằng ngày không thể cho con học ở gần nhà được vì không có ai đưa đón cháu. Vì vậy, để thuận tiện cho việc đưa đón con hằng ngày, chị chuyển hộ khẩu cháu nhập vào nhà người quen để được học ở trường gần cơ quan chị đang công tác.

Các trường rơi vào thế bí

Trước mỗi đợt tuyển sinh năm học mới, Ban giám hiệu các trường tiểu học tiến hành điều tra phổ cập số lượng trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tuyển sinh. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng kế hoạch, xin chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường.

Tính đến thời điểm hiện nay, các trường đã báo cáo số liệu điều tra phổ cập, kế hoạch tuyển sinh năm học mới 2011-2012 về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu. Chẳng hạn như, địa bàn tuyển sinh của Trường tiểu học Phù Đổng năm nay có 158 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, chỉ tiêu 7 lớp (trong đó có 2 lớp tiếng Pháp); Trường Phan Thanh 80 trẻ, chỉ tiêu 3 lớp; Trường Hoàng Văn Thụ 37 trẻ, chỉ tiêu 3 lớp (trong đó có 2 lớp tiếng Pháp)… Mặc dù số liệu thống kê, chỉ tiêu tuyển sinh đã rõ ràng, song Ban giám hiệu các trường vẫn lo lắng, đến lúc nhận hồ sơ tuyển sinh, sẽ lòi ra thêm nhiều trường hợp có hộ khẩu hợp lệ đến xin nhập học, khiến cho các trường rơi vào thế bí. Ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng nói, nếu những trường hợp phát sinh có hộ khẩu hợp lệ theo quy định tuyển sinh của UBND quận Hải Châu, thì nhà trường bắt buộc phải tiếp nhận các em vào học, chứ không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu thừa nhận, việc người dân lợi dụng Luật Cư trú để chuyển hộ khẩu từ  nơi này đến nơi khác nhằm chạy trường cho con em mình trong những năm qua là có thật. Trong đợt tuyển sinh năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận yêu cầu các trường phải tuyển hết học sinh có giấy tờ hợp lệ trong địa bàn tuyển sinh. Khi nào còn chỗ học thì nhà trường mới được tuyển thêm học sinh ngoại tuyến và trình Hội đồng tuyển sinh quận xem xét, giải quyết. 

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.