.

Sinh viên lên sàn

.
Không chỉ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, sinh viên (SV) Đà Nẵng cũng rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận và tìm hiểu về chứng khoán. Không ít trong số họ đã trở thành “chuyên gia” tư vấn cho người chơi.

Lên “sàn” là mốt...

Mô tả ảnh.
Chỉ cần một chiếc máy tính có nối mạng là nhiều sinh viên đã trở thành dân chơi chứng khoán sành điệu.
Tại quán Đèn pin (đường Lê Lợi), Nguyễn Thành Long (SV Đại học Kinh tế) cho biết, dạo này thị trường có phần chững lại nên tụi em khá “rảnh”. Chứ nửa năm trước, sáng nào cũng dậy từ 7 giờ, ăn sáng xong lên “sàn” là vừa. Lên sàn là cách nói vui, trên thực tế, chỉ cần ngồi ở phòng trọ, bật máy lướt mạng là đã chơi được. Bây giờ, SV chơi chứng khoán nhiều lắm. Lớp em có 25 người thì đã hết 10 đứa chơi rồi. Bữa nào đi uống cafe cũng  nói chuyện mua “con” (cổ phiếu) này, bán con kia. Long nói tiếp: “SV tụi em vốn “mỏng” nên chỉ dám chơi ở thị trường tập trung thôi, dân đại gia, nhà giàu, lắm mối quan hệ mới chơi OTC (cổ phiếu chưa lên sàn)”.
 
Được biết, buổi đầu nhập cuộc chơi, Long chỉ bỏ ra 500 ngàn đồng mua cổ phiếu. Đến nay, cậu cũng đã đầu tư lên 15 triệu đồng nhưng tính ra vẫn lỗ 20% tiền vốn. Trần Văn Thành, SV khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Duy Tân sành sỏi nhận định: “Với tình hình thị trường hiện nay, hòa vốn là giỏi lắm rồi. Lỗ là chuyện bình thường. Giới SV Đà Nẵng chơi chứng khoán cũng nhiều, nhưng làm giàu từ khoản này hầu như chưa có”. Thành chơi chứng khoán mới được 2 năm nhưng do mối quan hệ rộng lại chịu khó nắm thông tin nên  khá rõ tình hình thắng thua của các bạn SV khác. Cậu bảo, em  đầu tư 5 triệu đồng, đến nay mới lời được 1 triệu, xem như mình vừa tìm cách kiếm tiền vừa làm “học phí” để có thêm kiến thức.

Không chỉ nam, mà nhiều SV nữ cũng rất “máu me” với thị trường hấp dẫn này. Cô bạn Tô Thị Quý (bạn gái của Long) hiện là SV khoa Đào tạo Quốc tế (Đại học Duy Tân) nói: “Ban đầu thấy anh Long chơi em ngăn cản miết vì thấy nó phiêu quá. Cứ như đánh bạc ấy. Ngăn không được em quay sang tìm hiểu. Giờ lại thích”. Khác với các chàng thường thích mạnh tay khi đầu tư, Quý chơi theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, cô bỏ ra 1 triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu của ngành cao su thiên nhiên, do đã tìm hiểu ngành này rất kỹ, gia đình Quý cũng có trồng cao su nên cô hiểu được một phần quy luật sản xuất của nó. Cô bạn vui vẻ khoe: “Có thể vài ngày tới em sẽ có thêm 1, 2 triệu tiền lời từ đám cổ phiếu này”. Đến bây giờ Quý đã có thể tự tin ngồi trao đổi, bàn tán với nhóm bạn của người yêu về chứng khoán. 

Đầu tư kiếm... tiền và kiến thức

Vốn đầu tư không nhiều, lại chưa thể sinh lời nhưng Thành vẫn rất lạc quan khi nói: “Tụi em là dân kinh tế nên muốn tham gia vừa chơi vừa  tìm hiểu cho biết. So với những gì học trong trường thì thực tế khác xa lắm. Số tiền bỏ ra để chơi em xem như tiền học phí vậy. Cứ bỏ đó để mình còn theo dõi nắm bắt tình hình thị trường”. Sau một thời gian làm quen và rút nhiều kinh nghiệm từ các cuộc đầu tư, Long và Thành đã quyết định vay tiền bố mẹ để đầu tư một khóa học chuyên sâu hơn về chứng khoán do các chuyên gia từ Hà Nội vào dạy. Hiện hai cậu là cộng tác viên của Công ty chứng khoán FPT tại Đà Nẵng. Với công việc này, các cậu cũng kiếm được một khoản thù lao tương đối.
 
Ngoài ra, họ còn tham gia viết bài nhận định về thị trường trên một số trang mạng. Long bảo: “Nói chính xác ra thì dân chơi chứng khoán vẫn gọi những người như tụi em là “môi giới”. Ai cần lập tài khoản, hướng dẫn và tư vấn tụi em đều sẵn lòng giúp đỡ. Không nhất thiết phải trả tiền”. Khi thấy tôi có ý muốn chơi thử, hai cậu vui vẻ bảo: “Chị muốn chơi bao nhiêu? Nhóm ngành nào? Trong thời gian bao lâu? Tụi em sẽ tư vấn nhiệt tình, nhưng không dám bảo đảm thắng thua đâu nghe. Người chơi cổ phiếu phải có một chút máu liều và đầu óc chiến lược mới nên cơm cháo được”.

Chơi chứng khoán - trong cách nghĩ của nhiều SV - không phải là xấu. Với họ, đây là môi trường để rèn luyện tính kỷ luật, kiên nhẫn và một đầu óc tư duy chiến lược.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 
;
.
.
.
.
.